Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu nhấn mạnh, phiên họp có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh các nước Mê Công đang đẩy mạnh hợp tác mở cửa trở lại du lịch quốc tế và từng bước phục hồi ngành du lịch trước những tác động nặng nề của đại dịch trong hai năm qua.
Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, hiện nay, bức tranh phục hồi du lịch của tiểu vùng ngày càng tươi sáng. Để vượt qua những thách thức do đại dịch để lại, không một quốc gia nào có thể hành động một mình. Vì vậy các nước cần làm việc cùng nhau, có những hành động và nỗ lực chung cho các mục tiêu chung bao gồm các mục tiêu cụ thể của mỗi quốc gia.
Phiên họp sẽ đề cập đến những vấn đề quan trọng như mở cửa du lịch quốc tế, thực hiện Kế hoạch khôi phục truyền thông du lịch Mê Công, các dự án và hoạt động du lịch do ADB và các đối tác phát triển tài trợ, kế hoạch hoạt động của các đối tác…
Tại phiên họp, đại diện Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Công giới thiệu tóm tắt về phiên họp nhóm công tác du lịch GMS lần thứ 49 do Lào chủ trì vào tháng 5 vừa qua và tình hình các hoạt động tiếp theo đã được thống nhất. Đồng thời, các nước Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng cập nhật về tiến độ thực hiện các sáng kiến và chiến lược phục hồi du lịch, tập trung vào 4 nội dung chính: (1) Cập nhật thông tin quốc gia mở cửa trở lại sau dịch (bao gồm các chính sách, hoạt động và tiến độ); (2) Các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp du lịch và các nỗ lực tiếp thị công tư; (3) Kinh nghiệm thực tiễn, các vấn đề và thách thức trong việc mở cửa trở lại du lịch; (4) Đề xuất các sáng kiến mà các quốc gia thành viên GMS có thể cùng nhau thực hiện để đẩy nhanh quá trình phục hồi, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, bắt đầu xây dựng lại các sự kiện, mô hình du lịch và thị trường mới để đáp ứng với xu hướng du lịch sau dịch của du khách.
Về phía Việt Nam, ngành du lịch chính thức mở cửa lại toàn bộ từ ngày 15/3/2022. Chín tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón khoảng 1,65 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa đạt 86,8 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 394,2 nghìn tỷ đồng. Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm đến có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Số lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam trong tháng 7 cũng tăng 1.200% so với cùng kỳ. Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 được xếp hạng 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong top 3 quốc gia có mức tăng cao nhất trên thế giới. Việt Nam sở hữu các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, trong đó có các sản phẩm chủ đạo như biển đảo, thiên nhiên, văn hóa, thành phố; các sản phẩm bổ trợ là du lịch sức khỏe, khám phá, golf…
Trong 3 năm 2019-2022, du lịch Việt Nam cũng liên tục nhận được các giải thưởng du lịch quốc tế danh giá tầm khu vực và quốc tế. Đây là sự công nhận và đánh giá cao của thế giới với nỗ lực phục hồi và phát triển của du lịch Việt Nam.
Về hoạt động truyền thông, các nước GMS tăng cường công tác truyền thông phục hồi du lịch, đề xuất các dự án chung mà các quốc gia thành viên GMS có thể phối hợp để thúc đẩy sự kết nối, giao lưu sau khi mở cửa du lịch.
Cũng tại phiên họp, nhiều nội dung khác cũng đã được cập nhật như xu hướng du lịch, hoạt động của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Trung tâm ASEAN-Nhật Bản và ASEAN-Hàn Quốc.
TITC