Tại Phiên thảo luận chuyên đề “Văn hóa vì sự phát triển bền vững”, phát biểu thay mặt các quốc gia khu vực châu Á, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tiếp tục khẳng định vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với phát triển bền vững, đã được UNESCO nhấn mạnh tại Tuyên ngôn Toàn cầu về Đa dạng Văn hóa (2001) và Công ước Bảo vệ và Phát huy Đa dạng các Biểu đạt Văn hóa (2005), cũng như trong quá trình cộng đồng quốc tế đang triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững tại Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc hiện nay.
Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam nhận thức đầy đủ vai trò của văn hóa như một động lực của phát triển bền vững và thể hiện sự cam kết sâu rộng với việc hiện thực hóa Chương trình Nghị sự 2030.
Việt Nam tự hào là một quốc gia dồi dào, đa dạng về các di sản văn hóa, với lực lượng lao động sáng tạo trẻ đầy hoài bão khát vọng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực vào hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ/thực hành di sản, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Để khai thác các tiềm năng quan trọng này, và đồng thời để thực sự biến mục tiêu thành hành động cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong xây dựng các Chiến lược như Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (2016). Việt Nam cũng là một trong 12 quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 nhằm rà soát hệ thống dữ liệu thống kê văn hóa, đánh giá toàn diện khuôn khổ chính sách và các chương trình phát triển văn hóa hiện có trên thực tiễn làm căn cứ cho việc triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Trong suốt tiến trình này, Việt Nam đã trải qua một số cột mốc quan trọng mà nhờ vào đó, văn hóa, từ vị trí do Nhà nước đầu tư đã trở thành một lĩnh vực có khả năng vận hành theo cơ chế tự chủ, phát huy sự đa dạng của các biểu đạt đa dạng văn hóa và đóng góp 3,61% GDP cả nước (2018) góp phần vào sự ổn định xã hội đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững của quốc gia. Việt Nam đã đi một chặng đường dài trong nỗ lực phát triển văn hóa và gắn kết văn hóa với kinh tế, với xã hội theo hướng phát triển bền vững.
Phiên thảo luận chuyên đề “Văn hóa vì sự phát triển bền vững” là một trong số 18 hoạt động xương sống của Hội nghị MONDIACULT 2022. Cùng với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các diễn giả tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận gồm Bộ trưởng Du lịch và Văn hóa Angola, Bộ trưởng Thể thao, Văn hóa và Thanh niên Vương quốc Eswatini, Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Truyền thông Hà Lan, Bộ trưởng Văn hóa Rumani, Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học, Văn hóa và Thể thao Curacao, cùng đại diện cấp cao Chính phủ các nước Áo, Bahrain, Nicaragua và các tổ chức quốc tế như Liên minh Châu Phi, Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế.
Cũng trong ngày 29/9/2022, tại buổi làm việc với bà Tamara Rastovac Siamashvili - Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng hợp tác trong cơ chế UNESCO, triển khai có trách nhiệm các Công ước, Khuyến nghị của UNESCO về văn hóa và thể thao. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã thực hiện thành công Dự án thí điểm Bộ Chỉ số văn hóa thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO 1972 với sự tham dự của Tổng Giám đốc UNESCO.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kiến nghị cá nhân bà Chủ tịch và Hội đồng Chấp hành UNESCO quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về văn hóa, xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia, triển khai Đề án Mạng lưới các thành phố sáng tạo, xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO và công tác bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Bà Tamara Rastovac Siamashvili đánh giá cao các kết quả, thành tựu Việt Nam đạt được trong thời gian vừa qua, trân trọng cảm ơn Việt Nam đã tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Chấp hành UNESCO, ủng hộ Hội đồng trong hoạt động điều hành, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu về văn hóa trong thời gian vừa qua.
Trước đó, bên lề Hội nghị MONDIACULT 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã lần lượt có các buổi tiếp xúc với Trưởng đoàn một số quốc gia như Guatemala, Burkina Faso trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác song phương cũng như hợp tác trong các cơ chế đa phương về văn hóa, đặc biệt là UNESCO.
P.V