Mở đầu buổi làm việc, ông Yoshita gửi lời cảm ơn Lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế đã dành thời gian tiếp đón, đồng thời giới thiệu một số thông tin cơ bản về cơ chế vận hành của Netflix trên toàn cầu. Là một trong những nền tảng cung cấp dịch vụ trình chiếu phim theo yêu cầu trên Internet hàng đầu thế giới, Netflix còn được biết tới nhờ những khoản đầu tư lớn vào hviecj tự sản xuất nội dung. Ông Yoshita chia sẻ, không chỉ gói gọn tại thị trường Âu Mỹ, thông qua tăng cường địa phương hóa nội dung, Netflix đã và đang khiến thế giới chú ý hơn đến những nền điện ảnh nằm ngoài nước Mỹ, góp phần giúp các nước xuất khẩu sức mạnh mềm của văn hóa ra toàn cầu.
Đề cập tới ngành sản xuất anime (phim hoạt hình) - một trong những thế mạnh của công nghiệp văn hóa Nhật Bản, theo ông Yoshita, tại Nhật Bản, anime hiện không còn là một ngành có hàm lượng lao động cao như trước đây. Thay vào đó, xu thế kỹ thuật số đang ngày càng phát triển và chiếm ưu thế trong ngành sản xuất phim hoạt hình. Tuy nhiên, ngành sản xuất phim hoạt hình Nhật Bản lại đang đứng trước một thách thức lớn, đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực lành nghề. Chính vì vậy, Netflix Nhật Bản đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các nghệ sỹ, kỹ thuật viên, nhà làm phim hoạt hình trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng, để cùng kết hợp cùng đội ngũ tại Nhật Bản để sản xuất nội dung đăng tải trên các nền tảng Netflix không chỉ tại Nhật mà còn các nước khác. Ông bày tỏ, Netflix sẵn sàng hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực, đồng thời giúp đỡ Việt Nam sản xuất những nội dung chất lượng, có tính cạnh tranh cao phù hợp với thị hiếu người xem quốc tế và đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn trình chiếu của các nền tảng trực tuyến.
Chia sẻ với Giám đốc Yoshita Sugihara, Phó cục trưởng Trần Hải Vân cho hay, các ngành văn hóa của Việt Nam ngày càng được quan tâm phát triển như một sức mạnh mềm, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Bà Trần Hải Vân cũng cung cấp các thông tin chung về tình hình các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo tại Việt Nam hiện tại và một số dự án văn hóa quan trọng mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai như Dự án về tăng cường năng lực trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, Dự án xây dựng bộ chỉ số văn hóa quốc gia hay Dự án xây dựng mạng lưới các thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia hệ thống mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030…
Theo bà Trần Hải Vân, trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, so với các ngành công nghiệp văn hóa khác, lĩnh vực điện ảnh đã đạt được bước phát triển vượt xa so với những mục tiêu đề ra trong Chiến lược. Bà Trần Hải Vân đánh giá cao vai trò của các tập đoàn lớn như Netflix trong việc hỗ trợ phát triển nền điện ảnh Việt Nam nói riêng, đóng góp vào việc quảng bá và giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới nói chung.
Cũng tại buổi làm việc, bà Trần Thị Thu Hiền - Chủ tịch HĐQT hãng phim hoạt hình Việt Nam - cho biết, đứng trước các xu thế làm phim hoạt hình kỹ thuật số đang ngày càng phổ biến trên thế giới, đơn vị hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, với bề dày lịch sử hơn 60 năm hoạt động, hãng phim sở hữu đội ngũ hoạ sỹ, kỹ thuật viên dày dặn kinh nghiệm, sẵn sàng đón nhận các cơ hội hợp tác, nâng cao tay nghề với Netflix cũng như Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất hoạt hình.
Trao đổi về khả năng hợp tác giữa hai bên, bà Trần Hải Vân đề nghị ông Yoshita cân nhắc khả năng trực tiếp tới thăm và làm việc với hãng phim hoạt hình Việt Nam để có thể nắm được cụ thể hơn về tình hình nguồn nhân lực tại đây. Giám đốc hành chính công Netflix tại Nhật Bản, Đài Loan và Hong Kong thể hiện sự đồng tình và khẳng định, sẽ thảo luận với các đồng nghiệp, đặc biệt là các nhà sản xuất phim hoạt hình tại Nhật Bản để sớm thúc đẩy ý tưởng này.
Lan Phương
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/tim-kiem-co-hoi-hop-tac-san-xuat-hoat-hinh-giua-viet-nam-va-netflix-nhat-ban-a15027.html