Cơ sở pháp lý kịp thời trong phòng, chống dịch
Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất, sau khi triển khai các chính sách phòng, chống dịch quy định tại Nghị quyết 30, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát được dịch COVID-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 đã tạo cơ sở pháp lý kịp thời để Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chủ động đưa ra các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, thực hiện hiệu quả các biện pháp chống dịch ở mức cao mà vẫn bảo đảm ổn định tâm lý người dân.
Đặc biệt, việc Quốc hội cho phép triển khai các biện pháp cấp bách, tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực, quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý do những hệ lụy của dịch bệnh gây ra, góp phần quan trọng quyết định kiểm soát được đợt dịch thứ 4.
Nghị quyết số 30 cũng tạo nền tảng pháp lý huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch. Tại đợt dịch thứ 4, trong thời gian ngắn đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an với gần 300 nghìn lượt cán bộ của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác đang có dịch. Cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, ngành, đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc.
Các địa phương nhận định, Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại mục 3 Nghị quyết số 30, đặc biệt thực hiện thành công chiến lược vaccine và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch tại những thời điểm quyết định. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, góp phần đưa Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19, dịch bệnh nguy hiểm chưa từng có trong tiền lệ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến tại cuộc họp cũng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện mục 3 tại Nghị quyết số 30 như một số văn bản chỉ đạo, điều hành chưa sát thực tiễn, chậm được ban hành, có phần dành thuận lợi cho cơ quan quản lý và khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Một số biện pháp còn chưa sát với thực tiễn của từng vùng, địa bàn và chưa tính hết nhu cầu của người dân, khả năng đáp ứng tại chỗ của chính quyền. Việc triển khai mua sắm còn rất hạn chế, đặc biệt tại các địa phương, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị để bảo đảm công tác phòng, chống dịch và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế bộc lộ hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bùng phát; ứng dụng công nghệ thông tin, an ninh, an toàn mạng còn bộc lộ hạn chế, hiệu quả chưa cao; việc tích hợp thành một ứng dụng duy nhất trong quản lý, truy vết, tổ chức khám, tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý đi lại còn chậm, chưa tạo thuận lợi cho người dân. Việc chi trả phụ cấp chống dịch cho các lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là nhân viên y tế tại một số địa phương thực hiện còn chậm, thủ tục còn rườm rà...
Đề nghị hoàn thiện các quy định về đấu thầu thuốc
Bày tỏ nhất trí với dự thảo báo cáo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 63/2014/NĐ-CP ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trong đó giao cho thủ trưởng các cơ sở y tế chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch được chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán mua sắm với danh mục thuốc đấu thầu tại cơ sở. Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xem xét hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong công tác đặt hàng xét nghiệm SARS-CoV-2.
Trong công tác triển khai, mua sắm, đấu thầu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện các quy định về đấu thầu thuốc cụ thể, rõ ràng để các cơ sở y tế hiểu và thực hiện thống nhất; quy định rõ trách nhiệm, thời hạn của các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện đối với từng nội dung liên quan.
"Về giá mua thiết bị, vật tư, sinh phẩm hóa chất, đề nghị Bộ Y tế xây dựng, cập nhật đầy đủ danh mục chung, có kiểm soát chặt chẽ biến động giá kê khai, thông tin đầy đủ giá trúng thầu và có kiểm soát về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế… Trong một số tình huống dịch bệnh khẩn cấp, cần mua sắm một số trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao… Vì vậy, Bộ Y tế xây dựng nguồn dự trữ thuốc quốc gia để cấp phát cho các địa phương kịp thời. Sau khi hết dịch, trang thiết bị có thể thu hồi lại hoặc điều tiết trong hệ thống y tế toàn quốc, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả", ông Chử Xuân Dũng nói nêu.
Bày tỏ đồng tình với dự thảo báo cáo, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng, thực tế vẫn có vướng mắc, cần gỡ rối trong công tác mua sắm trang thiết bị, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất. Đặc biệt, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh, "cần có quy định cho việc mua dự trù như thế nào là phù hợp", nhưng đồng thời cần có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong phòng, chống dịch, bởi việc hạn chế tình trạng lãng phí trong cơ chế mua sắm còn giúp gỡ bỏ phần nào gánh nặng và ảnh hưởng tâm lý cho ngành y tế.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đề nghị khẩn trương hoàn thiện các hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin được phát triển trong quá trình phòng, chống dịch để nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế…
Bổ sung, làm rõ hơn các vướng mắc về thể chế
Yêu cầu Bộ Y tế tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 chưa có tiền lệ, vô cùng phức tạp, rất khó lường, đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội, thậm chí là nền tảng chính trị của một số quốc gia. Đến nay, thống kê chưa đầy đủ, thế giới có trên 620 triệu người mắc COVID-19, có 6,5 triệu người chết. Cả những nước có hệ thống y tế hùng mạnh cũng "thất thủ". Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp, nền y tế dù phát triển hơn so với các nước cùng trình độ nhưng chưa thể bằng các nước phát triển.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân trên hết, trước hết. Trong quá trình chỉ đạo phòng, chống dịch, nhiều vấn đề phát sinh chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành.
Do đó, ngay tại Kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30, trong đó quy định về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 nghị quyết để giải quyết những vướng mắc rất cụ thể của các bộ, ngành, địa phương. Điều đó thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên tinh thần "tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân".
Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế bổ sung, làm rõ hơn các vướng mắc về thể chế cần tiếp tục được hoàn thiện, thẩm quyền, trách nhiệm ở cấp nào; quan điểm, hướng xử lý đối với việc mua sắm cao hơn so với nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh.
Qua các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp thu và kiến nghị liên quan tới việc kéo dài thời gian gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc; tiếp tục thực hiện cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người mắc COVID-19; đánh giá sâu hơn các chế độ, chính sách hỗ trợ người dân để bảo đảm an sinh xã hội.
TTXVN
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/nghi-quyet-so-30-tao-co-so-phap-ly-kip-thoi-trong-phong-chong-dich-covid-19-a14992.html