Câu lạc bộ Cần Thơ vừa được giải cứu hay nói đúng bản chất là được “thở ô-xy”, sau khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) “bật đèn xanh” để Trung tâm Thể dục thể thao thành phố Cần Thơ tiếp quản đội bóng đang ngập nợ, cốt để đá cho xong mùa giải rồi mới tính tiếp. Hôm qua, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã có cuộc làm việc với đội bóng để tháo gỡ khó khăn, chủ yếu là tìm cách thanh toán các khoản nợ xấu bắt buộc phải trả và ổn định tinh thần cho các cầu thủ. "Thành phố sẽ không bỏ rơi cầu thủ đã chịu đựng khó khăn để cầm cự và thi đấu cho đội bóng từ đầu giải đến giờ. Chúng tôi sẽ làm hết sức để tìm nguồn tài trợ, đảm bảo các khoản thu nhập cho cầu thủ và trang trải các khoản chi phí cho đội bóng thi đấu xong mùa giải, sau đó mới tính đến việc chuyển giao”.
Việc giao đội bóng về cho Trung tâm Thể dục thể thao thành phố Cần Thơ quản lý tuy chỉ là giải pháp tạm thời để tránh cho đội bóng khỏi rơi vào cảnh “tan đàn xẻ nghé”, dù trên thực tế câu lạc bộ Cần Thơ đã vỡ nợ từ nhiều tháng trước lẽ ra đã phải tuyên bố phá sản sau khi Chủ tịch câu lạc bộ từ chức, Giám đốc điều hành xin nghỉ việc và huấn luyện viên trưởng của đội bóng cũng đã ra đi. Bộ máy lãnh đạo không còn thì hoạt động kiểu gì và liệu những người được chỉ định thay thế cho “đủ mâm đủ bát” theo kiểu chữa cháy có đủ tư cách pháp nhân để đứng ra giải quyết những rắc rối đang gặp phải.
Cầu thủ Cần thơ dù đã tập trung trở lại nhưng bây giờ đang rất hoang mang khi những người ký hợp đồng với họ đã bỏ chạy hết cả, vậy ai sẽ đứng ra giải quyết các quyền lợi như phí chuyển nhượng, lót tay, tiền thưởng, bảo hiểm… theo các điều khoản đã cam kết. Trước đây, câu lạc bộ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp do công ty Cổ phần Tây Đô Group làm chủ sở hữu, giờ bị bỏ rơi phải dạt về Trung tâm, nhiều cầu thủ lo ngại sẽ chịu thiệt thòi khi đội bóng phải “thắt lưng buộc bụng”.
Tất nhiên, cầu thủ vẫn có thể tìm đến các luật sư để nhờ tư vấn, trợ giúp dù ai cũng biết đoạn trường khiếu kiện, tranh chấp quyền lợi khi “được vạ thì má đã sưng”. Câu lạc bộ Cần Thơ dù được Liên đoàn bóng đá Việt Nam đặc cách, xuê xoa đá cho xong mùa giải 2022 nhưng nguy cơ thì vẫn còn đó. Ở giải hạng Nhất mùa này đâu chỉ có Cần Thơ khổ vì tiền mà không ít đội bóng khác cũng lâm vào cảnh nợ nần khiến cầu thủ phải lên tiếng đòi quyền lợi. Sân sau V.League đang có nhiều dấu hiệu bất ổn, dù mùa bóng năm nay chỉ còn 12 đội sau khi An Giang giải tán và xin nghỉ chơi từ đầu.
Bóng đá Việt Nam vốn đã bị mất cân đối từ nhiều năm nay với hình ảnh đỉnh to hơn đáy, các đội chuyên nghiệp thì nhiều nhưng sân sau ngày càng vắng vẻ khiến tính cạnh tranh giảm hẳn. Cần Thơ, Phù Đổng mới chỉ là phần nổi của tảng băng với những nguy cơ tiềm ẩn từ cách làm bóng đá chuyên nghiệp theo kiểu “đánh trống ghi tên” khi các đội bóng không đạt chuẩn, thậm chí đã ở trong tình trạng “chết lâm sàng” nhưng vẫn được đặc cách để cốt đá cho xong mùa giải rồi mới lo hậu sự.
Đan Phượng
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/bong-da-viet-nam-san-sau-bat-on-vleague-lieu-co-yen-a14807.html