Văn hóa là nguồn lực phát triển du lịch
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp du lịch văn hóa chiếm 10-15% trong số 18.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch - Kỳ vọng đến năm 2030: Ngành du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Trên thực tế, du lịch chính là phương thức, là con đường mà nhiều quốc gia đang đầu tư, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa, phát triển để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa. Đồng thời, tài nguyên văn hóa cũng chính là nguồn lực để phát triển du lịch.
Hiện cả nước có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê. Trong đó, hiện có khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; trên 3.460 di tích cấp quốc gia; 107 di tích quốc gia đặc biệt, 164 bảo vật quốc gia.
Có 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới và 14 di sản được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Việt Nam có 7 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Ngoài ra, Việt Nam còn có 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.
Với tiềm năng di sản văn hóa dồi dào như vậy, KTS. Hoàng Đạo Cầm - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế để phát triển du lịch văn hóa.
"Văn hóa là một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với du lịch, là một trong những những yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của du khách. Văn hóa thực sự là nội lực bên trong của phát triển kinh tế, chính vì thế yêu cầu thúc đẩy loại hình du lịch văn hóa là vấn đề cần được quan tâm… Truyền thống văn hóa lâu đời, bề dày lịch sử sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung của đất nước ta", KTS. Hoàng Đào Cầm khẳng định.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Huyền Trang - Ban Quản lý danh thắng Tràng An (Ninh Bình) cho rằng, sản phẩm du lịch dựa trên các giá trị văn hóa ngày càng trở thành xu hướng và là sở thích của du khách hiện đại - nhóm khách ngày càng quan tâm tới chất lượng, đặc biệt là nhu cầu trải nghiệm dịch vụ. Vì vậy, các giá trị văn hóa đã trở thành nguồn lực của địa phương cũng như của quốc gia để phát triển du lịch nói chung và du lịch di sản nói riêng.
"Những di sản được khai thác hợp lý sẽ góp phần để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, giúp họ có những cái nhìn rõ nét và sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa bản địa còn hiện diện, làm cho họ cảm thấy thích thú và muốn quay trở lại ở những lần sau, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của một vùng, một quốc gia. Nói cách khác, việc khai thác các giá trị di sản nếu có kế hoạch rõ ràng sẽ là tiền đề thiết yếu tạo nên sự thành công trong hoạt động kinh doanh của ngành, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", bà Nguyễn Thị Huyền Trang nói.
Để du lịch Việt Nam phát triển bền vững
Để thực hiện mục tiêu công nghiệp văn hóa trong du lịch văn hóa, năm 2017, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 5 quan điểm, 3 mục tiêu cơ bản và 8 nhiệm vụ. Quan điểm của Đảng thể hiện nhất quán "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Thể chế hóa chủ trương của Đảng nhằm tạo điều kiện để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, tăng trưởng cao, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn trong tổng thể nền kinh tế quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, tạo cơ chế chính sách để du lịch Việt Nam phát triển bứt phá.
Theo KTS. Hoàng Đạo Cầm, tiềm năng và tài nguyên du lịch văn hóa Việt Nam rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên vẫn chưa được khai thác một cách đúng tầm. Phát triển du lịch văn hóa cần phải có sự phối hợp đồng bộ các giải pháp, sự kết hợp gắn bó mật thiết giữa các ngành, các cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương, giữa các bên liên quan trong đó nhấn mạnh vai trò của ngành du lịch và văn hóa.
TS. Trần Thị Tuyết Mai - Viện Văn hóa (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) - cho rằng, để phát triển công nghiệp du lịch văn hóa, công tác quản lý nhà nước về du lịch đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, hành lang pháp lý về du lịch liên tục được kiện toàn, bổ sung.
"Ngành Du lịch đã chú trọng đẩy mạnh và ngày một chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến du lịch. Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, logo và slogan cùng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam đã được ban hành, giới thiệu rộng rãi trên thị trường du lịch quốc tế", TS. Trần Thị Tuyết Mai chia sẻ.
Việt Nam hoàn toàn có lợi thế để phát triển du lịch văn hóa
Cũng theo TS. Trần Thị Tuyết Mai, nhiều điểm đến của Việt Nam như Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc... đã được nhiều Tạp chí du lịch quốc tế, trang thông tin điện tử hướng dẫn du lịch hàng đầu thế giới bình chọn là top điểm đến giàu bản sắc văn hóa nhất, hấp dẫn nhất châu Á, cảnh sắc non nước tuyệt đẹp nhất thế giới, kỳ quan đẹp nhất, bãi biển đẹp nhất, hang động kỳ vĩ nhất thế giới. Nhiều khách sạn ở Việt Nam được bình chọn là khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu, top khách sạn tốt nhất thế giới, top khách sạn có dịch vụ xuất sắc nhất thế giới, có thiết kế và xây dựng đẹp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thời gian gần đây, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng bứt phá ngoạn mục. Năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch COVID-19), tổng thu từ ngành du lịch của Việt Nam ước đạt 700.000 tỷ tạo bước đột phá về năng lực cạnh tranh. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019. Theo đó, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam cải thiện đáng kể, từ hạng 67/136 lên hạng 63/140, tăng 4 bậc so với năm 2017.
Sau khi đại dịch Covid tạm thời lắng xuống, từ ngày 15/3/2022: Việt Nam tiến hành bình thường hóa các hoạt động, trong đó có lĩnh vực du lịch văn hóa. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 413 nghìn lượt; khách du lịch nội địa đạt 60,8 triệu lượt (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19). Doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu trở lại thị trường. Số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đăng ký hoạt động tăng gấp gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2021. Sự tăng trưởng mạnh của lượng khách du lịch nội địa đã hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu của năm 2022 ngay trong 6 tháng đầu năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 265 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, dữ liệu từ công cụ tìm kiếm điểm đến của Google cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong top điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch, đạt mức tăng từ 50% đến 75%. Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.
Những số liệu này cho thấy, du lịch đã trở thành một ngành công nghiệp văn hóa và ngày càng khai thác, chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.
Hồng Hà
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/van-hoa-la-nguon-luc-phat-trien-du-lich-a14728.html