Năm nay, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) đã diễn ra các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam với sự tham gia của 17 cộng đồng dân tộc đến từ 13 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền.
Trong khuôn khổ sự kiện, đồng bào các dân tộc đã tham gia tổ chức các lễ hội, phong tục tập quán, dân ca dân vũ, ẩm thực… của dân tộc mình nhằm giới thiệu, quảng bá tới cộng đồng các dân tộc và du khách tham quan. Các hoạt động bao gồm tái hiện trích đoạn Lễ cầu phúc, cầu an của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên; Lễ cấp sắc của dân tộc Dao tỉnh Vĩnh Phúc; Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer; nghi lễ Kin chiêng boọc mạy của dân tộc Thái; nghi lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai.
Nhân sự kiện này, ông Trịnh Ngọc Chung - Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có một số chia sẻ về đổi mới cả về hình thức, nội dung của chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022.
Ông Trịnh Ngọc Chung cho biết, nội dung lớn nhất của chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa dân tộc Việt Nam năm nay hướng đến là nhằm tái hiện, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tại ngôi nhà chung là Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ban tổ chức (BTC) sự kiện đã mời các nghệ nhân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số về và tổ chức nhiều hoạt động nhằm giới thiệu cho du khách về các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc.
Để tái hiện một lễ hội, một nghi lễ hay phong tục tập quán mang tính thiêng của đồng bào dân tộc thì Ban Tổ chức phải tuân thủ một cách rất nghiêm ngặt. Các hoạt động tái hiện không chỉ được thực hiện trong những không gian, vật thể vật chất mà còn được tái hiện những không gian phi vật thể. Đó là các lễ hội ở mỗi một dân tộc đều được tái hiện qua những kiến trúc, cảnh quan tương đối là phù hợp với văn hóa của từng dân tộc.
Ban Tổ chức phối hợp với địa phương, cụ thể là trực tiếp phối hợp với các đơn vị do tỉnh giao trách nhiệm như Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch hoặc trung tâm văn hóa, để đảm bảo những nghi lễ, nghi thức đó được tái hiện 1 cách nguyên gốc do chính các nghệ nhân là đồng bào các dân tộc tái thể hiện. Việc tái hiện này là cách phản ánh chân thực giá trị văn hóa của dân tộc, cũng là để đảm bảo được giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được thể hiện một cách chân thực nhất. Qua đó, du khách có thể cảm nhận được giá trị của văn hóa các dân tộc. Đó là sự khác biệt trong chuỗi hoạt động của Làng trong sự kiện chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam lần này và cũng là giá trị mà Ban Tổ chức hướng đến.
Thông qua chuỗi hoạt động này, ngoài việc hướng tới nâng cao nhận thức, trách nhiệm toàn xã hội với việc giữ gìn phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp của các hoạt động văn hóa để từ đó mỗi người dân nhận thức đầy đủ về giá trị, sức mạnh của văn hóa. Từ đó, văn hóa mới thực sự là nền tảng, động lực phát triển của kinh tế xã hội như nghị quyết của Đảng đã khẳng định.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ đạo Ban Quản lý Làng phối hợp với các đơn vị có liên quan để tổ chức 1 diễn đàn văn hóa với chủ đề là "Phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong xây dựng môi trường văn hóa". Tại diễn đàn này ban tổ chức hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia ở các địa phương để từ đó có thể tổng kết, báo cáo đưa ra những đề xuất với các cấp các ngành những cơ chế, chính sách để làm tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong thời gian tới.
Trong những ngày diễn ra sự kiện, ông Chung chia sẻ thêm, Ban Tổ chức rất vui mừng nhận được sự quan tâm nhiệt tình của du khách, có ngày Làng đã đón tới 8.000 lượt khách. Đây là 1 tín hiệu rất mừng, đặc biệt BTC nhận thấy những giá trị truyền thống của văn hóa các dân tộc được du khách rất quan tâm. Các hoạt động tái hiện lễ hội phong tục tập quán tại Làng như lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai, Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer… đều được du khách đón nhận tích cực. Chúng tôi thấy rằng du khách đến với Làng không chỉ được tìm hiểu, tham quan và được hòa mình được trải nghiệm với các nghệ nhân, các đồng bào dân tộc vào trong những hoạt động giới thiệu tái hiện những giá trị văn hóa của dân tộc.
Trong thời gian tới, Ban Quản Lý Làng sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là các địa phương để lựa chọn và tổ chức định kỳ, thường xuyên các chương trình lễ hội cũng như các hoạt động tái hiện lại các phong tục tập quán, những nét đẹp văn hóa của các dân tộc trong các không gian của các cái làng thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Có thể nói đây là 1 nội dung mà Làng sẽ thực hiện trong thời gian tới để động viên các nghệ nhân bảo tồn văn hóa và lan tỏa các giá trị đó với các du khách đến với Làng, đặc biệt là giới trẻ.
Bộ VHTTDL
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/ngay-van-hoa-cac-dan-toc-viet-nam-mong-muon-lan-toa-nhung-gia-tri-tot-dep-cua-van-hoa-a1468.html