Tham dự Hội thảo có PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài và chủ trì Hội thảo cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và cộng đồng địa phương.
Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2021-2022. Đề tài gồm 8 thành viên: PGS.TS Phạm Lan Oanh, TS. Vũ Anh Tú (thư ký), TS. Võ Thị Hoàng Lan, TS. Trần Thị Thủy, Ths. Vũ Hoa Ngọc, TS. Nguyễn Đắc Thủy, Nhà báo Bùi Thu Hương, TS. Hoàng Mạnh Thắng.
Hội thảo tập trung thảo luận về những nội dung chính sau đây:
1. Nhận diện tổng quát về các nữ tướng thời Hai Bà Trưng.
2. Nhận diện di sản và giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới nữ tướng Hai Bà Trưng ở Bắc Bộ.
3. Công tác điều tra, sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến nữ tướng Hai Bà Trưng như: lễ hội dân gian, các thể loại văn học dân gian, các thể loại âm nhạc và múa dân gian, các loại hình mỹ thuật dân gian, phong tục tập quán,…
4. Nghiên cứu thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nữ tướng Hai Bà Trưng.
5. Kinh nghiệm thực tiễn từ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến các anh hùng dân tộc.
6. Đề xuất các giải pháp, kiến nghị, định hướng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nữ tướng Hai Bà Trưng.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS. TS Phạm Thị Lan Oanh nhấn mạnh: "Nghiên cứu, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nữ tướng thời Hai Bà Trưng ở Bắc Bộ là nghiên cứu rất cần thiết, có tác dụng lớn cho khoa học văn hóa, lịch sử văn hóa Việt Nam và lịch sử Việt Nam trên tinh thần tôn vinh lịch sử, tôn vinh giá trị di sản văn hóa truyền thống nhằm phát huy giá trị di sản quý báu đó trong xây dựng văn hóa và con người Việt Nam hiện nay".
Mở đầu phiên Hội thảo, đại diện cho ý kiến địa phương, bà Nguyễn Thị Phong Anh với tham luận “Tín ngưỡng thờ tướng lĩnh thời Hai Bà Trưng ở huyện Đông Anh” đã tập trung nghiên cứu về các tướng lĩnh, các di tích và lễ hội gắn với các tướng lĩnh thời Hai Bà Trưng ở huyện Đông Anh. Đại diện có di tích thờ Hai Bà Trưng, các ông Trần Thanh Sơn - Trần Viết Dậu trình bày và trao đổi về Liên hiệp các di tích cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại thủ đô Hà Nội. GS. TS Nguyễn Chí Bền chia sẻ vấn đề liên quan đến lý thuyết sáng tạo truyền thống, việc thờ cúng Hai Bà Trưng… đưa ra khuyến nghị đó là xây dựng một DataBank (Ngân hàng dữ liệu) thờ nữ tướng thời Hai Bà Trưng, trong đó có: Hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, sắc phong, công trình nghiên cứu, thư mục… việc ứng dụng, phục dựng lễ hội, nối kết du lịch như nào, từ đó hoạch định tổng thể thờ nữ tướng thời Hai Bà Trưng.
Tiếp theo là các tham luận của PGS. TS Nguyễn Thị Huế, PGS. TS Phạm Thị Thùy Vinh, TS. Chu Xuân Giao và 4 ý kiến phát biểu trao đổi tại hội thảo về sắc phong, tư liệu, tín ngưỡng, lễ hội, hèm… Các trình bày của tham luận và các ý kiến trao đổi góp phần nhận diện và đánh giá giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới nữ tướng Hai Bà Trưng, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị, định hướng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nữ tướng Hai Bà Trưng.
Một số hình ảnh Hội thảo
Phạm Dung