Số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tư pháp có xu hướng tăng
Trình bày Báo cáo tóm tắt, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, từ 1/7/2016 đến 1/7/2021, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình khiếu nại, tố cáo cũng diễn biến phức tạp, nhất là khi đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhận thức pháp luật của người dân có những chuyển biến rõ rệt. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo về hành chính có xu hướng giảm trong một số năm gần đây nhưng số vụ việc thuộc lĩnh vực tư pháp có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là án hành chính, dân sự - kinh tế.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trước thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực; chuyển đổi mô hình chợ, thực hiện dự án công viên nghĩa trang, khu xử lý rác thải tập trung...
Qua làm việc với các cơ quan, Đoàn giám sát dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Cụ thể, khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến việc thu hồi đất tiếp tục là một điểm nóng, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, các dự án phát triển kinh tế - xã hội và tập trung ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án phải thu hồi, bồi thường đất. Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản đối với các dự án bất động sản du lịch, nhà ở thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp do các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực này chưa thực sự đồng bộ, tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tranh chấp. Ngoài ra, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường tiếp tục gia tăng, nhất là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng nguyên vật liệu, khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường gần khu dân cư sinh sống...
Về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, ông Dương Thanh Bình nêu rõ: Việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, có hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân ngày càng chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Việc quy định tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp và chưa đảm bảo khả thi trong thực tiễn. Việc phối hợp trong công tác tiếp công dân giữa cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát với các cơ quan hành chính các cấp chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Đoàn giám sát cũng nhận thấy, một số nội dung chưa được quy định chi tiết gây khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện; việc ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm. Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư còn hạn chế, vẫn còn có sự nhầm lẫn trong việc phân loại đơn, giữa đơn khiếu nại, tố cáo với đơn kiến nghị, phản ánh; đơn tố cáo hành chính với đơn tố giác tội phạm. Tiến độ giải quyết một số vụ án hành chính còn chậm; tỷ lệ giải quyết chưa cao; vẫn còn một số bản án bị sửa, hủy do nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của thẩm phán...
Từ những hạn chế này, Đoàn giám sát kiến nghị các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát đối với một số ngành, lĩnh vực phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách; phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành có liên quan trong quá trình thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, nhà ở, xây dựng, môi trường và một số lĩnh vực khác phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các quy định về tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, địa phương mình, nhất là quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo; quy định về khiếu nại, giải quyết khiếu nại để đảm bảo thống nhất với các văn bản cơ quan cấp trên và phù hợp với thực tiễn.
Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại; trong đó tập trung đánh giá về việc tổ chức tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, về mô hình Ban tiếp công dân cấp huyện, việc tiếp công dân trực tuyến...
Bộ Tài nguyên và Môi trường khi hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai cần tập trung quan tâm những nội dung phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cơ chế định giá đất... đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ thực tiễn để quy định các điều khoản chuyển tiếp.
Rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm của Đoàn giám sát với báo cáo công phu, đầy đủ. Cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo, tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị phân tích rõ hơn bối cảnh đất nước trong thời kỳ giám sát (1/7/2016 - 1/7/2021), đặc biệt là ảnh hưởng của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, dịch bệnh, thiên tai liên quan đến tình hình khiếu nại, tố cáo; đánh giá sâu sắc hơn kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Phương châm của Đảng là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Quốc hội cũng đang xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nội dung tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những thành tố quan trọng để thực hiện phương châm này. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết được ban hành sau khi tiến hành giám sát sẽ tạo nền nếp, chuyển biến cơ bản, có cơ sở giám sát quá trình tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong Nghị quyết cần phải chỉ rõ việc gì phải làm, ai làm, ai chịu trách nhiệm, làm theo hướng nào, bao giờ xong và cơ chế để báo cáo việc này như thế nào?
Về tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần xem lại các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân nêu rõ: Trách nhiệm người đứng đầu không chỉ tiếp công dân, mà còn phải đối thoại như đối thoại với nông dân, công nhân, viên chức, thanh niên... Tuy nhiên, trên thực tế, trách nhiệm bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, huyện, xã tiếp công dân hầu như không thực hiện được. Do đó, cần làm rõ việc quy định pháp luật phù hợp nhưng không thực hiện được hay quy định pháp luật không phù hợp?
"Luật pháp đầy đủ, khả thi thì phải tổ chức thực hiện; còn luật ban hành mà làm không nổi hay do bản thân yêu cầu quá cao, chưa có phương thức cụ thể thì phải nghiên cứu, đề xuất", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong Báo cáo cần bổ sung rõ địa chỉ, trách nhiệm, vụ việc liên quan đến việc tiếp công dân; đề cao trách nghiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình quản lý nhà nước thi hành công vụ, nhất là những công việc liên quan trực tiếp đến người dân. Khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra có được thực hiện đúng không? Bên cạnh đó là việc kịp thời giải quyết có lý, có tình khiếu kiện, tố cáo ngay từ cơ sở, nơi phát sinh vụ việc.
TTXVN