Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ thảo luận 6 dự án luật

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dự kiến khai mạc ngày 7/9, sẽ thảo luận, góp ý kiến về 6 dự án luật và một dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV.

tvqh-1662378701.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp bất thường tháng 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Theo chương trình dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong hai ngày 7 và 8/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Đây là những nội dung sẽ được trình để Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) tới. 

Trong đó, các dự án: Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022. 

Đối với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được trình để Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp. 

Các ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách là cơ sở quan trọng để các cơ quan tiếp tục hoàn thiện chỉnh lý các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội, góp phần vào thành công, hiệu quả của kỳ họp.

Một trong những trọng tâm của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là công tác lập pháp để cho ý kiến và xem xét thông qua nhiều dự án luật quan trọng nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước trong tình hình mới.

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội vào việc từ rất sớm, phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu cùng với các cơ quan của Chính phủ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết. 

Lãnh đạo Quốc hội đã chủ động làm việc với Thường trực cơ quan thẩm tra để nghe báo cáo, cho ý kiến về những định hướng lớn, những nội dung, yêu cầu phải đạt được trong các dự án luật. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến hết sức trách nhiệm, cụ thể đối với các dự án nên rất thuận lợi để Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện trình Quốc hội. 

Chính vì vậy, các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại các kỳ họp đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ. Qua thảo luận nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng đối với hồ sơ do Chính phủ trình và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Tiếp tục phát huy tinh thần này trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thực hiện các định hướng và nhiệm vụ lập pháp toàn khóa, gắn với tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng ban hành pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường bố trí các phiên họp chuyên đề pháp luật, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách với thời gian thảo luận phù hợp để có thể thảo luận kỹ lưỡng hơn, lấy ý kiến đa chiều về những vấn đề còn ý kiến khác nhau để cùng đi đến thống nhất, đồng thuận.

V.T

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/hoi-nghi-dai-bieu-quoc-hoi-hoat-dong-chuyen-trach-se-thao-luan-6-du-an-luat-a14124.html