Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa

Sáng ngày 18/4, Diễn đàn văn hóa với chủ đề “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa” đã diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội).

Diễn đàn được tổ chức Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

dien-dan-van-hoa-1650293336.jpg

Các chuyên gia tham dự Diễn đàn “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định: Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, Đề cương Văn hóa Việt Nam (năm 1943) của Đảng đã xác định xây dựng nền Văn hóa Việt Nam dân tộc, đại chúng và khoa học, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế. Trong thời kỳ đổi mới, Nghị quyết TƯ 5, khóa 8 khẳng định "Xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Nghị quyết số 33, Hội nghị lần thứ 9, Khóa 11 xác định mục tiêu " Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cũng đã chỉ rõ "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Quan điểm của Đảng khẳng định các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam luôn là sức mạnh nội sinh bền vững trong quá trình giao lưu, hội nhập trở thành động lực mạnh mẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nên "Bản lĩnh Việt Nam" hòa mình cùng "dòng chảy" của văn hóa nhân loại.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào tháng 11/2021 đã đánh giá toàn diện và sâu sắc việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045; cùng đó, cũng khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đưa ra những quyết sách quan trọng về văn hóa trong giai đoạn tới. Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu hết sức quan trọng: "Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Đây là bài viết có tính khái quát rất cao về lý luận và con đường xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh việc biểu dương những đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hóa trong thời gian vừa qua. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa. Sự yếu kém, khuyết điểm này đã gây hệ lụy, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa của chúng ta. Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư đã chỉ rõ những phương hướng nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, thời kỳ phát triển nhanh và bền vững đất nước .

Chiến lược phát triển sự nghiệp văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ với những mục tiêu cụ thể đã khắc họa phần nào diện mạo nền văn hóa đất nước trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa là nhiệm vụ to lớn và hết sức quan trọng, tiến hành trong thời gian dài. Trước mắt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định chủ đề công tác năm 2022 của ngành là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức - cán bộ". Với chủ đề này, đi đôi với việc tập trung xây dựng tổ chức bộ máy, cải cách hành chính của toàn ngành hiệu lực, hiệu quả, nhiệm vụ chuyên môn của toàn ngành là tập trung xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đó là môi trường mà cuộc sống mỗi con người hàng ngày, hàng giờ được hòa mình trong đó, giúp người ta hình thành nhân cách, đạo đức, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội... hình thành nên những giá trị văn hóa có tính phổ quát tạo nên chuẩn giá trị văn hóa con người Việt Nam. Cùng với nâng cao ý thức thi hành pháp luật, những con người đó sẽ cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa ngày một tiến bộ hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Môi trường văn hóa cơ sở mà chúng ta nói đến ở đây là môi trường trong từng gia đình, từng cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố... trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, môi trường văn hóa gia đình và cộng đồng dân cư sẽ tạo nên nền tảng đạo đức xã hội; môi trường văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo nên nền tảng kinh tế; môi trường văn hóa công sở, cơ quan, đơn vị... sẽ góp phần tạo nên nền tảng chính trị. Sự kết hợp cả ba môi trường văn hóa đó sẽ tạo thành cốt cách con người Việt Nam, thành nền tảng tinh thần xã hội đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thứ trưởng cho rằng, Việt Nam chúng ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có một truyền thống văn hóa riêng, nhưng trong đó có nhiều giá trị văn hóa thống nhất, tương đồng trở thành giá trị văn hóa chung của đất nước, đồng thời mỗi dân tộc cũng có những nét văn hóa độc đáo riêng có tạo nên bản sắc của dân tộc mình. Vì vậy, chúng ta khẳng định nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, hay như Bác Hồ đã nói: "Mỗi dân tộc là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp". Việc chúng ta tổ chức Diễn đàn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào đúng dịp chào mừng "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" - 19/4 cũng là vì ý nghĩa đó. Vậy, các giá trị văn hóa truyền thống có vai trò thế nào trong xây dựng môi trường văn hóa là vấn đề chúng ta cần bàn đến hôm nay.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, với chủ đề "Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa", Diễn đàn sẽ được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn cũng như các bài học thực tiễn từ các địa phương trong việc gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở nhằm bổ sung cho các giải pháp, nhiệm vụ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch đạt hiệu quả cao.

Tại Diễn đàn, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã cho ý kiến, tập trung vào một số nội dung như phát huy truyền thống văn hóa xây dựng môi trường văn hóa góp phần xây dựng giá trị văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; môi trường văn hóa dân tộc trong việc xây dựng môi trường văn hóa hiện nay.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề cập đến những vấn đề cấp bách trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay; phát huy truyền thống văn hóa các tộc người ở Việt Nam; đoàn kết các dân tộc để phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong xây dựng môi trường văn hóa…

Các ý kiến, tham luận tại hội thảo đã nêu bật những nét đẹp của văn hóa dân tộc, tầm quan trọng văn hóa dân tộc trong qua trình xây dựng môi trường văn hóa hiện nay.

Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến thiết thực về xây dựng môi trường văn hóa từ các địa phương, trong đó nêu bật những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, kết quả đạt được cũng như hạn chế, bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng.

Ý kiến của đại biểu tại Diễn đàn sẽ được tổng hợp, nghiên cứu, tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL thực hiện tốt công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, góp phần giúp cho ngành thực hiện thắng lợi các chủ đề công tác năm 2022 là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức - cán bộ", hướng đến mục tiêu cuối cùng là thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

H.An

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/phat-huy-truyen-thong-van-hoa-cac-dan-toc-trong-xay-dung-moi-truong-van-hoa-a1380.html