Đây là lễ hội truyền thống của địa phương, được tổ chức thường niên trong nhiều năm trở lại đây nhằm tri ân và tưởng nhớ đức Thánh Quý Minh Đại Vương, các đời vua Trần cùng các bậc tiền nhân có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phù trợ quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hòa. Thánh Quý Minh Đại Vương là một vị tướng trấn ải Sơn Nam, thời vua Hùng Vương thứ 18, người đã góp công lớn góp phần giữ gìn và bảo vệ dân tộc.
Lễ hội Tràng An năm nay được tổ chức với quy mô thu gọn hơn các năm trước, đảm bảo yêu cầu, quy định phòng, chống dịch COVID-19, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Lễ hội là dịp giáo dục các thế hệ phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh hoa đoàn kết dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với truyền thống nhiều năm nay, Lễ hội Tràng An đã tái hiện đầy đủ lịch sử Việt Nam qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần tại mảnh đất Cố đô Hoa Lư. Nơi đây từng là căn cứ địa chống giặc ngoại xâm với thành là núi, đường là sông, cung điện là hang động. Lễ hội được tổ chức với sự tham gia của hàng nghìn người gồm các tăng ni, phật tử, các diễn viên, quần chúng và hàng nghìn du khách thập phương với 2 phần chính gồm phần lễ và phần hội.
Trong phần lễ, Ban Tổ chức thực hiện các nghi lễ cổ truyền với hoạt động lễ rước nước, rước thuyền rồng di chuyển qua các hang động đến đền Suối Tiên để thực hiện nghi lễ dâng hương Thánh Quý Minh Đại Vương. Phần hội, các đại biểu và du khách được di chuyển từ bến thuyền Tràng An đến suối Tiên với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc giới thiệu về giá trị văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc các vùng miền trên cả nước như: Hát văn, hát chèo, không gian nghệ thuật vùng núi phía Bắc, Tây nguyên, Tây Nam Bộ...
Trong không khí lất phất mưa phùn của tiết Xuân se lạnh, du khách thập phương đến với Tràng An được hòa mình vào với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với việc đi thuyền dưới những dãy núi đá vôi nối tiếp như bất tận.
TTXVN
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/ron-rang-khong-khi-le-hoi-trang-an-a1355.html