Hai vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Sáng 16/8, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Luật này cần nghiên cứu kỹ, tránh việc luật vừa ban hành đã thấy bất cập và lại cần phải sửa đổi.

hai-1660625136.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nghiên cứu, tiếp thu dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) khi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đóng góp ý kiến thảo luận. “Cơ quan thẩm tra cần có rà soát tổng thể về Luật này. Đến nay Luật Dầu khí (sửa đổi) đã đạt được gì. Tất cả các dự án luật đều phải đảm bảo được mục đích yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, chính sách của Luật”, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo. 

Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 thảo luận cho ý kiến về Luật này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. 

Về phê duyệt hợp đồng dầu khí (Điều 24 dự thảo Luật)

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, còn một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu và có 2 loại ý kiến. 

Loại ý kiến thứ nhất: Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí có cấu trúc nội dung phức tạp do đặc thù của hoạt động dầu khí. Trong bối cảnh hiện nay thực hiện hoạt động dầu khí ngày càng hội nhập và đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành Luật Dầu khí năm 1993, cần có cơ chế mới về phê duyệt hợp đồng dầu khí bảo đảm tính chủ động cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương và PVN trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc giao PVN phê duyệt hợp đồng dầu khí không bảo đảm khách quan trong trường hợp PVN tham gia với tư cách nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí. 

Vì vậy, đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng, quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng dầu khí; giao Bộ Công Thương phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí, trên cơ sở đó, PVN ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí (Phương án 1 khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật). Đồng thời, bỏ quy định về Chính phủ ban hành hợp đồng dầu khí mẫu để bảo đảm sự thống nhất về chính sách. 

Loại ý kiến thứ hai, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn với nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí. Ngoài ra, dự thảo Luật đã được thiết kế theo tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định một số nội dung quan trọng như: phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nội dung hợp đồng dầu khí…; các nội dung khác giao Bộ Công Thương và PVN thực hiện. Đề nghị tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng giữ quy định như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (Phương án 2 khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật).

“Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu (Điều 54 dự thảo Luật).
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, vấn đề khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu được đặt ra với 2 đối tượng:

Một là mỏ dầu khí thực hiện theo điều kiện kinh tế, kỹ thuật thông thường (dưới mức ưu đãi đặc biệt tối đa) được nhà thầu trả lại sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng dầu khí mà không tìm được nhà đầu tư mới ký kết hợp đồng dầu khí nhưng xét thấy còn có thể tiếp tục khai thác tận thu, tăng thu ngân sách nhà nước.

Hai là mỏ dầu khí đã thực hiện theo mức thu hồi chi phí tối đa 80% (mức ưu đãi đặc biệt tối đa) được nhà thầu trả lại sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng dầu khí nhưng xét thấy còn có thể tiếp tục khai thác tận thu, tăng thu ngân sách nhà nước. Để thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước đối với các mỏ này, cần chính sách đặc thù, phân biệt với cơ chế chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh sửa theo hướng chuyển khoản 4 Điều 53 thành Điều 54 quy định về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu. Theo đó, việc khai thác tận thu được thực hiện như sau: Chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu được nộp vào ngân sách nhà nước trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí.

Về nguyên tắc, thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư trong cùng diện tích hợp đồng do PVN tiếp nhận là tài sản công, tuy nhiên, để phù hợp với tính chất hoạt động khai thác tận thu là thực hiện theo nhiệm vụ được giao, dự thảo Luật quy định theo hướng PVN được sử dụng mà không phải trả tiền.

Cũng theo nguyên tắc này, việc đầu tư bổ sung để khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, thu dọn công trình dầu khí và xử lý sau thu dọn khi kết thúc hoạt động khai thác được thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí và trên cơ sở cân đối nguồn thu từ hoạt động khai thác tận thu đối với mỏ dầu khí. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. 

Đối với cơ chế tài chính “chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nộp vào ngân sách nhà nước”, có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất, việc thực hiện chính sách này đã ràng buộc nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí; dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng, ban hành, hướng dẫn về định mức chi phí, định mức kinh tế, kỹ thuật cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; các chi phí đều được kiểm toán theo quy định.

Vì vậy, không cần quy định về việc tách riêng khoản thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu dầu khí nộp về ngân sách nhà nước trước khi thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện hoạt động này. Hơn nữa, quy định như vậy mới tạo cơ chế đột phá mang tính khả thi để khai thác tận thu tài nguyên dầu khí (chênh lệch doanh thu và chi phí thực dương) đối với cả 2 loại đối tượng mỏ như đã nêu, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, kể cả trong trường hợp doanh thu trừ chi phí thấp hơn thuế tài nguyên phải nộp (thay vì kết thúc sớm dự khai thác tận thu). 

Loại ý kiến thứ 2, để bảo đảm chắc chắn hằng năm ngân sách nhà nước có thể dự toán và thu được khoản thu nhất định từ khai thác tài nguyên đối với mỏ khai thác tận thu dầu khí, đề nghị việc thực hiện chính sách chênh lệch giữa doanh thu và chi phí được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên (theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên) và thuế xuất khẩu dầu khí (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có thể điều chỉnh về mức thuế suất 0%). Thực tế đã triển khai thu thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu dầu khí đối với mỏ tận thu Sông Đốc từ năm 2017 đến nay. (Phương án 2 khoản 1 Điều 54 dự thảo Luật).

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết: Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất. Để bảo đảm thống nhất và có thể áp dụng chính sách này ngay sau khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Luật Thuế tài nguyên theo hướng loại trừ trường hợp khai thác tài nguyên đối với mỏ khai thác dầu khí tận thu theo quy định của pháp luật về dầu khí (Phương án 1 Điều 66 dự thảo Luật).

V.Tôn

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/hai-van-de-lon-xin-y-kien-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-ve-du-an-luat-dau-khi-sua-doi-a13334.html