Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và bài toán lực lượng

Không phải đợi đến sau thất bại tại giải bóng đá nữ Đông Nam Á - AFF Cup 2022, nỗi lo về lực lượng ở đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam mới được nhắc tới. Khác với bóng đá nam, bóng đá nữ chỉ có vài câu lạc bộ mạnh, còn lại đa số đều gặp khó và gắng gượng tồn tại qua các mùa giải…

Không có nhiều câu lạc bộ mạnh, đương nhiên đội tuyển bóng đá nữ cũng khó có thể tập hợp được lực lượng mạnh với nhiều sự lựa chọn để nâng chất cho đội hình. Huấn luyện viên Mai Đức Chung từng hàng chục năm gắn bó với đội tuyển bóng đá nữ nên hiểu rất rõ những khó khăn và hạn chế khi quanh quẩn cũng chỉ có vài đội bóng nữ được đầu tư tương đối tốt thi đấu ở giải quốc gia như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội thay nhau vô địch, trong khi Than Khoáng sản, Phong Phú Hà Nam hay Thái Nguyên T&T chưa đủ sức để cạnh tranh. 

Thực tế, bóng đá nữ hoàn toàn vắng bóng tại miền Trung trong khi miền nam, dù được coi là cái nôi của bóng đá nữ cũng chỉ có thành phố Hồ Chí Minh duy trì được câu lạc bộ mạnh. Miền Bắc tuy có nhiều đội bóng, nhưng ngoài Hà Nội có đủ thực lực để cạnh tranh ngôi vô địch thì các đội bóng khác như Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nam… đều gặp khó. Năm 2001, giải vô địch bóng đá nữ quốc gia có 7 đội, 20 năm sau dù giải bóng đá nữ 2021 có tăng thêm 2 đội nhưng thực chất lại chỉ còn 6 câu lạc bộ khi Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh và Phong Phú Hà Nam tự chia làm 2 đội hình để tham dự giải. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) từng đầu tư trọng điểm cho Quảng Ngãi phát triển và duy trì đội nữ, nhưng chẳng đi đến đâu.

Sau thất bại của đội tuyển nữ Việt Nam tại giải vô địch Đông Nam Á - AFF Cup 2022, đặc biệt là trận thua quá đậm trước đội tuyển nữ Philippines khiến nhiều người nhận ra thực tế, đội tuyển nữ Việt Nam đang đối diện với nguy cơ tụt hậu trước bước tiến vượt bậc của các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Philippines với chiến lược đầu tư bài bản mang tính đặc thù để hướng đến mục đích rõ ràng. Đội tuyển nữ Việt Nam nhiều năm qua chỉ trông cậy vào nguồn cầu thủ vốn rất hạn chế từ các đội bóng nữ, không có định hướng đào tạo với những bước đi phù hợp để phát triển tài năng trẻ. Cả nước hiện chỉ có vài câu lạc bộ bóng đá nữ duy trì được hệ thống đào tạo trẻ còn lại với khoảng trên dưới 200 cầu thủ nữ được thi đấu thường xuyên, rõ ràng là không đủ để có một đội tuyển mạnh. 

bong-da-nu-1658204768.jpg
Các cầu thủ trẻ tham dự đợt tuyển chọn tài năng bóng đá nữ do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức

Mới đây, VFF đã tổ chức đợt tuyển chọn, đào tạo trẻ với mục tiêu chuẩn bị nguồn lực kế cận cho các đội tuyển quốc gia, nhằm chuẩn bị cho việc tham dự các giải bóng đá trong khu vực và châu lục. Các cầu thủ nữ ở lứa tuổi 13, có đam mê và năng khiếu sẽ trải qua các đợt sơ tuyển tại Hà Nội và một số địa phương có phong trào để chọn ra khoảng 50 cầu thủ tốt nhất tham dự các lớp đào tạo cầu thủ theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp. Trong những năm vừa qua, VFF cũng đã quan tâm tới việc tổ chức các giải trẻ, từ lứa tuổi 15 đến 21 cho các cầu thủ nữ và mời các chuyên gia nước ngoài tới làm việc để phát triển tài năng của các cầu thủ trẻ. Nhiều cầu thủ sau quá trình tập luyện tại đội dự tuyển U14, U16 nữ quốc gia đã trở thành lực lượng nòng cốt tại các đội bóng địa phương và được triệu tập lên đội tuyển quốc gia. 

Tuy nhiên, để đội tuyển nữ có đủ hành trang và sự tự tin trong lần đầu tiên góp mặt tại World Cup 2023, cần phải có sự chuẩn bị tốt cả về tinh thần và lực lượng với chiến lược bài bản, căn cơ để có thể tạo ra đột phá, giúp bóng đá nữ Việt Nam có thêm nhiều nguồn lực mới, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đan Phượng

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/doi-tuyen-bong-da-nu-viet-nam-va-bai-toan-luc-luong-a12233.html