Xác định 5 ngành thuộc công nghiệp văn hóa
Báo cáo về dự thảo Đề án, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - cho biết, Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 xác định phạm vi 5 ngành thuộc công nghiệp văn hóa đó là: Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Quảng cáo; Du lịch văn hóa.
Mục tiêu chung của Đề án đó là phát triển 5 ngành công nghiệp văn hóa trở thành các ngành có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu và lợi thế cạnh tranh nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Về mục tiêu cụ thể, dự thảo Đề án cũng xác định, doanh thu của 5 ngành công nghiệp văn hóa có đóng góp đáng kể vào 7% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2025, từng bước phát triển đa dạng 5 ngành công nghiệp văn hóa; áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao.
Đến năm 2030, phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại 5 ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.
Không nên dàn trải
Tham gia góp ý vào dự thảo Đề án, NSƯT Trần Ly Ly - quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - lấy dẫn chứng từ việc một nhóm nhạc nổi tiếng ở Hàn Quốc đã kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác và cho rằng, nghệ thuật biểu diễn cần được xác định là mũi nhọn của công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, bà Trần Ly Ly cho rằng, công nghiệp văn hóa là cả hệ sinh thái kéo theo. Trong khi đó, âm nhạc Việt Nam hiện vẫn đang đi cùng sự phát triển của thế giới chứ chưa tạo ra hướng đi riêng. Bên cạnh việc xác định các loại hình nghệ thuật như: chèo, tuồng, nhã nhạc cung đình, rối nước, đờn ca tài tử, chúng ta cũng có thể làm biểu diễn thực cảnh với các show nghệ thuật, đây là hướng đi rất mới và phù hợp với công nghiệp văn hóa hiện đại. Đây là quá trình khó và cần có người tài để thực hiện.
Theo quan điểm của bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - việc xây dựng Đề án là cần thiết, song phải tính đến nội hàm của nó. Nếu chỉ nhập lại các chương trình, nhiệm vụ cũ thì sẽ không giải quyết được những vấn đề phát sinh.
"Cần phải tính toán cụ thể, khi bỏ kinh phí ra thì đóng góp cụ thể vào GPD bao nhiêu. Chúng ta không nên đầu tư dàn trải mà chỉ đầu tư cơ bản cho 1, 2 ngành như: Nghệ thuật biểu diễn và Điện ảnh", Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nói và cho rằng, không nên xác định quảng cáo là một trong năm ngành của công nghiệp văn hóa, bởi quảng cáo không phải là công nghiệp văn hóa mà chỉ là ngành dịch vụ.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - cho rằng, chúng ta nên chọn lĩnh vực trọng điểm, khu trú lại để tạo ra "cú hích" cho công nghiệp văn hóa. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo về thể chế chứ không thể làm sản phẩm cụ thể. Nhà nước đầu tư những cái mà tư nhân không thể làm được. Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung xây dựng thị trường nội địa để phát triển công nghiệp văn hóa trong nước, khi có thương hiệu mới xuất khẩu ra nước ngoài.
Cũng theo bà Phương Hòa, khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Đề án này phải xác định được tầm nhìn bao quát của các ngành. Ở Đề án này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ là cơ quan chủ lực, tiên phong thực hiện và có sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan. Ví như, phát triển văn hóa số chúng ta không thể đi một mình mà phải có sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nhà nước chỉ tạo ra cơ chế để tư nhân thực hiện
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, đối với phát triển công nghiệp văn hóa, Nhà nước chỉ tạo ra cơ chế và tư nhân sẽ thực hiện. Ở các quốc gia, họ có một cơ quan riêng chuyên thực hiện nhiệm vụ về công nghiệp văn hóa.
Theo Thứ trưởng, việc thực hiện ngành công nghiệp văn hóa không thể một sớm, một chiều. Để có thành công như ngày hôm nay, Hàn Quốc đã trải qua 40 năm với các sản phẩm rất đặc thù. Vì vậy, trước mắt chúng ta nên tổ chức các hội thảo trong nước, với sự tham gia quốc tế để tham khảo các ý kiến hữu ích cho dự thảo Đề án. Đồng thời, tổ chức các đoàn khảo sát học hỏi các mô hình của các quốc gia phát triển về công nghiệp văn hóa.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho rằng, Đề án cần có lộ trình thực hiện nhiệm vụ cụ thể cho từng chương trình chứ không thể để chung đến năm 2030. Bên cạnh đó phải xác định được bộ tiêu chí, cái gì là thương hiệu văn hóa.
Về quá trình xây dựng dự thảo Đề án, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, Tổ soạn thảo đã khu trú được các thế mạnh của ngành để đưa vào dự thảo. Với các số liệu có tính thuyết phục, dự thảo Đề án đã bám sát chiến lược chung của ngành, và Chương trình mục tiêu quốc gia Chấn hưng và phát triển về văn hóa mà Bộ đang xây dựng để trình cấp có thẩm quyền.
Không chỉ trông chờ "bầu sữa mẹ"
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, dự thảo Đề án chưa có nhiều đánh giá thực trạng triển khai Chiến lược công nghiệp văn hóa theo Quyết định 1755 của Thủ tướng trong những năm qua. "Chúng ta cần nhìn nhận rõ 10 năm qua đã đạt được những gì, định vị chiến lược công nghiệp văn hóa Việt Nam đang ở đâu để từ đó có những giải pháp trọng tâm, thúc đẩy phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, trước đây, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được khu trú gồm 12 ngành, lĩnh vực. "Vậy sản phẩm cụ thể chúng ta có được là gì? Sản phẩm mang lại hiệu quả trong 5-10 năm tới là gì? Sản phẩm chủ lực công nghiệp văn hóa Việt Nam được thể hiện trong đề án ra sao.Với những sản phẩm cụ thể được định hình, cần làm rõ nhóm ngành nào thuộc Bộ quản lý, thuộc các Bộ ngành khác quản lý? Sau khi xác định được các sản phẩm, nhóm ngành chủ lực thì giải pháp đưa ra là gì?", Bộ trưởng bày tỏ trăn trở khi đưa ra hàng loạt câu hỏi.
Khẳng định đây là một lĩnh vực khó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, dù Chiến lược được ban hành từ sớm nhưng quá trình triển khai chưa đạt được như yêu cầu do chưa đủ nguồn lực để tính toán, chưa có những sản phẩm có tính chiều sâu, đặc biệt là công cụ thống kê để giúp có được một cách nhìn tổng thể. Vì vậy ít nhiều vẫn đang lúng túng.
Do tính chất là vấn đề khó nên cần cân nhắc những vấn đề trên cơ sở kế thừa, tiếp nối Quyết định 1755. Trong 12 nhóm ngành cần khu trú lại những công việc mà có thể làm được theo quan điểm chọn việc, chọn điểm phù hợp khả năng và điều kiện.
Theo Bộ trưởng, cần phải xác định đây là công việc không chỉ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà còn của nhiều ngành, nhiều cấp, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải đóng vai trò chủ công. Từ 12 nhóm ngành, chúng ta chọn ra 5 nhóm, lĩnh vực thế mạnh của ngành, nằm trong phạm vi quản lý của Bộ và đã có bộ công cụ pháp luật. Cụ thể như: Luật Điện ảnh đã ban hành, Luật Du lịch đã có hiệu lực, sắp tới là xây dựng Luật nghệ thuật biểu diễn…
Từ các nhóm ngành như vậy, Bộ trưởng cho rằng các sản phẩm phải có tính chất đại diện, đặc trưng của nhóm ngành đó. Như điện ảnh, nhiếp ảnh - mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn..., sản phẩm đặc trưng là gì? Nên chăng là xây dựng xiếc, múa rối, các ban nhạc Việt Nam ở tầm quốc tế. "Phải cụ thể, không nói chung chung", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lưu ý về nhóm ngành du lịch văn hóa, Bộ trưởng đề nghị Tổ soạn thảo tính toán thêm nên khu trú lại ở lĩnh vực nào, nên chăng chỉ gói gọn lại ở mảng di tích và di sản, vì đây là một trong những trụ cột, là lĩnh vực lớn để quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới.
"Chúng ta nên xây dựng các thương hiệu đưa ra quốc tế, như Hát Xoan Phú Thọ, Nghi lễ Thờ cúng Hùng Vương hoặc đờn ca tài tử, di tích đền Hùng, hệ thống di tích cố đô Huế…", Bộ trưởng gợi mở.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, cần lượng hóa cho được thực trạng hiện nay, từ đó xây dựng và đánh giá hiệu quả đề án, lĩnh vực nào mang lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó là nguồn lực để đảm bảo đề án. Phải tách các nguồn lực, trong đó đầu tư công chỉ đóng vai trò kiến tạo dẫn dắt, huy động, xây dựng những chính sách hợp lý. Trong bối cảnh hiện nay thì điều cần là xã hội hóa chứ không chỉ trông chờ "bầu sữa mẹ".
"Tất cả các Cục, Vụ đều phải có trách nhiệm vì công việc chung. Từ nay đến cuối tháng 7 phải tiếp thu thêm các ý kiến và chỉnh sửa, sau đó tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, đơn vị quản lý văn hóa, các chuyên gia...để hoàn thiện, tổng hợp báo cáo Chính phủ", Bộ trưởng yêu cầu.
Thế Công