Sau cuộc họp chiều 11/7, Liên đoàn Bóng đá Indonesia đã quyết định gửi kiến nghị lên Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á vì cho rằng, đội tuyển U19 Việt Nam và U19 Thái Lan thi đấu thiếu tích cực và có dấu hiệu bắt tay nhau để đá hòa 1-1 nhằm loại chủ nhà U19 Indonesia khỏi bán kết. Lý do là vậy, nhưng PSSI lại không thể đưa ra bằng chứng thuyết phục, bởi trên thực tế trận đấu giữa U19 Việt Nam và U19 Thái Lan đã diễn ra bình thường, thậm chí có nhiều tình huống va chạm rất quyết liệt giữa hai đội. Có chăng, chỉ đến khi U19 Thái Lan ghi bàn và bị U19 Việt Nam gỡ hòa 1-1, trong những phút cuối cả hai đội đều không mạo hiểm đẩy cao đội hình, thi đấu an toàn và chấp nhận tỷ số đủ để giúp họ giành quyền vào bán kết.
Luật chơi rất rõ ràng và chủ nhà U19 Indonesia cũng không thể đòi hỏi các đội bóng khác phải thi đấu tận lực để giúp họ vào bán kết. Trong tình thế cả hai đội bóng đều đạt được mục tiêu và có sự điều chỉnh, làm giảm nhịp độ trận đấu, thậm chí thay đổi chiến thuật để giữ sức và đảm bảo an toàn là điều thường thấy. Bất cứ huấn luyện viên nào cũng phải tính toán và ngay cả người mạnh miệng như Shin Tae-yong cũng sẽ chẳng dại gì cho quân dốc sức ghi bàn giúp đối thủ khi mọi chuyện đã an bài. Trong cuộc đua tay ba tại bảng A, U19 Indonesia đã thất thế khi không thể ghi nổi bàn thắng nào vào lưới U19 Việt Nam và U19 Thái Lan nên đành phải trông chờ vào vận may qua tay đối thủ. Vì thế, việc đội chủ nhà không tự định đoạt được số phận và bị loại là thực tế, dù cay đắng và nghiệt ngã thì cũng phải chấp nhận.
Có lẽ, người hâm mộ bóng đá Indonesia cũng chưa thể quên trận đấu đáng xấu hổ của đội tuyển Indonesia cũng diễn ra ở lượt trận cuối cùng vòng bảng Tiger Cup 1998. Chỉ vì muốn tránh di chuyển ra sân Hàng Đẫy để gặp chủ nhà Việt Nam, các cầu thủ Indonesia đã diễn một vở kịch vụng về và xấu xí trên sân Thống Nhất mà đỉnh điểm là bàn thắng tự ghi vào lưới nhà của hậu vệ Effendi. Thậm chí, sau khi dẫn bóng rồi sút thủng lưới nhà, tuyển thủ Indonesia còn ăn mừng trước sự ngỡ ngàng của các cầu thủ Thái Lan và người hâm mộ. Đấy mới chính là vết nhơ lớn nhất trong trong lịch sử bóng đá Đông Nam Á.
Với giải U19 Đông Nam Á 2022, U19 Việt Nam và U19 Thái Lan đã giành quyền vào bán kết một cách xứng đáng. Đặc biệt, thầy trò huấn luyện viên Đinh Thế Nam đã nỗ lực thi đấu để giành ngôi đầu bảng A. Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng đã quyết định thưởng nóng cho U19 Việt Nam 500 triệu đồng sau khi đội giành quyền vào bán kết. Trong khi đó, kể từ khi ngồi vào ghế huấn luyện viên đội tuyển Indonesia rồi ôm luôn cả lứa cầu thủ U23 và U19, huấn luyện Shin Tae-yong vẫn chưa thể giành chiến thắng, dù chỉ một lần trước các đội tuyển Việt Nam và cả Thái Lan ở mọi giải đấu. Áp lực về thành tích khiến huấn luyện viên người Hàn Quốc có vẻ như không còn giữ được sự tỉnh táo và điềm tĩnh với những phát ngôn vô căn cứ khi cho rằng, U19 Việt Nam và U19 Thái Lan vì sợ nên cố tình đá hòa để loại đội bóng do ông dẫn dắt.
Thực tế, chủ nhà U19 Indonesia được gửi gắm quá nhiều kỳ vọng và với lợi thế thi đấu trên sân nhà, lẽ ra phải có kết quả tốt hơn. Nhưng bóng đá, đặc biệt ở các giải trẻ khi cầu thủ vẫn trong giai đoạn phát triển tài năng, khó có thể đòi hỏi sự hoàn thiện và càng không thể tạo thêm áp lực thành tích. Chủ nhà U19 Indonesia không vào bán kết cũng là điều bình thường khi trình độ cũng chẳng có gì vượt trội so với các đối thủ cùng trang lứa. Cố kiện cáo chỉ càng thêm xấu hổ và AFF hay AFC và cả FIFA cũng không thể giúp gì được khi sự việc đã quá rõ ràng.
Đan Phượng
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/giai-u19-dong-nam-a-2022-tai-sao-chu-nha-indonesia-thich-lam-minh-lam-may-a11969.html