Đây là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Anh sau 11 năm. Chuyến thăm nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; duy trì trao đổi đoàn Lãnh đạo cấp cao giữa hai nước, hai Quốc hội; tăng cường tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Anh; thúc đẩy quan hệ song phương trên các lĩnh vực.
Phát triển tốt đẹp quan hệ đối tác chiến lược
Việt Nam và Anh thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/9/1973. Quan hệ hai nước thực sự khởi sắc kể từ sau chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1993 - chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Anh và chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam của Ngoại trưởng Anh Douglas Hurd năm 1994.
Tháng 3/2008, hai nước ký Tuyên bố chung thúc đẩy quan hệ theo hướng "Quan hệ đối tác vì sự phát triển” và đến tháng 9/2010, mối quan hệ Việt Nam - Anh được nâng cấp lên "Đối tác chiến lược". Kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, hợp tác Việt Nam - Anh trong khuôn khổ song phương và đa phương đã có nhiều bước tiến tích cực trên các lĩnh vực, tiếp tục được kỳ vọng phát triển lên tầm cao mới trong bối cảnh nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao hai bên đã ra Tuyên bố chung nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược (2010-2020) với tầm nhìn hướng tới nâng cấp quan hệ lên mức cao hơn.
Năm 2021, bất chấp những khó khăn của đại dịch COVID-19, phía Anh đã cử nhiều Đoàn lãnh đạo cấp cao thăm Việt Nam, gồm Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đối khí hậu (COP-26).
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Anh tích cực hỗ trợ Việt Nam trong tiếp cận vaccine và y tế nói chung khi Anh là một trong những nước đi đầu trong nghiên cứu và chế tạo vaccine phòng, chống dịch bệnh. Vaccine AstraZeneca của Anh là loại vaccine đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên của Anh về cung cấp vaccine phòng, chống dịch COVID-19 để góp phần bảo đảm chương trình tiêm chủng của Việt Nam diễn ra thành công. Cuối tháng 7/2021, Anh tuyên bố cung cấp song phương cho Việt Nam 415.000 liều vaccine đầu tiên trong tổng số 100 triệu liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ Anh hỗ trợ toàn cầu (bên cạnh cơ chế COVAX mà Anh là một trong những nước đóng góp nhiều nhất).
Hai bên đã phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương như Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao; duy trì phối hợp tốt tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và ASEAN - Anh.
Nhận lời mời của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) và thăm làm việc tại Vương quốc Anh, từ ngày 31/10 đến 3/11/2021. Tại COP-26, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam phát đi thông điệp và cam kết mạnh mẽ trong việc cùng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó có cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cũng tại Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới; chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... Các thỏa thuận này có giá trị lên tới hàng tỷ USD, đem lại cơ hội lớn về thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Về kinh tế, thương mại, hai bên đã thiết lập cơ chế họp Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Anh (JETCO). Tháng 12/2020, hai nước ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 6,6 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng mạnh, được cho là chủ yếu nhờ UKVFTA và sự phục hồi của chuỗi cung ứng sau đại dịch. Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu.
Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, sắt thép các loại, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu và nhập khẩu từ Anh gồm máy móc, thiết bị, dược phẩm, sản phẩm hóa chất, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may - da giày, ô tô nguyên chiếc. Hiện Anh đã đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (2/2021) và mong muốn Việt Nam ủng hộ trong vấn đề này.
Hợp tác quốc phòng - an ninh phát triển tích cực. Hai bên tích cực đẩy mạnh hợp tác đào tạo, trao đổi thông tin. Bộ Quốc phòng hai nước đã nâng Đối thoại chính sách quốc phòng thường niên lên cấp Thứ trưởng (đã duy trì 3 phiên họp, luân phiên tại mỗi nước); thiết lập Nhóm công tác về hợp tác quốc phòng, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực ưu tiên như về gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc, đào tạo tiếng Anh, an ninh biển, đồ bản và thủy đạc; hai bên phối hợp chặt chẽ trong giải quyết vấn đề buôn bán người.
Hợp tác giáo dục giữa hai bên được tăng cường với sự hiện diện của Cơ quan phát triển văn hóa - giáo dục (Hội đồng Anh) tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên tích cực thúc đẩy sự tham gia của hệ thống các trường hàng đầu của Anh trong liên kết đào tạo cũng như hợp tác xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, bao gồm Đại học Apollo và Đại học Anh tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh trong Đại học Đà Nẵng (giai đoạn I của trường Đại học Việt - Anh tại Đà Nẵng). 32 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng hai nước được thiết lập. Hiện có hơn 12.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường của Anh.
Cộng đồng người Việt tại Anh có khoảng 110.000 người, nhìn chung sống hòa nhập, ổn định, có những hoạt động tích cực, góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng và hướng về xây dựng quê hương.
Hợp tác hiệu quả hai Quốc hội Việt Nam - Anh
Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Anh (cả Hạ viện và Thượng viện) trong thời gian qua có nhiều bước phát triển với nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả.
Hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp, trong đó ở đoàn cấp cao, phía Việt Nam có các chuyến thăm của: Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1994), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 3/2005), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 12/2011); phía Anh có các chuyến thăm của Phó Chủ tịch Hạ viện Eleanor Laing (tháng 10/2016).
Bên cạnh đó, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn thông qua các Ủy ban thuộc Quốc hội hai nước; Nhóm Nghị sĩ liên đảng Anh quan tâm tới Việt Nam (APPG) cũng như Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Anh.
Gần đây nhất, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Nghị viện (IPU) COP-26 và có cuộc tiếp xúc với Trưởng đoàn Nghị sĩ Anh. Tháng 10/2020, Ðảng Cộng sản Việt Nam và APPG đã có cuộc Đối thoại trực tuyến lần thứ nhất về "Hợp tác phát triển kinh tế xanh hậu COVID-19".
Hai bên cũng duy trì tiếp xúc, tham vấn tại các diễn đàn nghị viện đa phương, đặc biệt là tại Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP). Sự hợp tác hiệu quả giữa Quốc hội hai nước là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh.
Với nền tảng hợp tác trên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết chuyến thăm của Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đến Vương quốc Anh nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, duy trì và làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương, đồng thời tăng cường đan xen lợi ích và tin cậy với các nước đối tác; khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh.
Trên kênh hợp tác nghị viện, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng. Đây là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Anh sau 11 năm, kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới Anh năm 2011.
Bên cạnh đó, chuyến thăm nhằm thúc đẩy tiếp xúc với các đối tác; tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, đặc biệt thúc đẩy thực thi, triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA), tạo động lực mới cho quan hệ giữa Việt Nam với Anh trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo và ứng phó biến đổi khí hậu (triển khai cam kết tại COP-26) và các lĩnh vực tiềm năng khác. Thông qua các hoạt động tiếp xúc làm việc của đoàn với chính giới, doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại sẽ góp phần thu hút nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hậu COVID-19.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đặc biệt, lần đầu tiên trong khuôn khổ chuyến thăm nước ngoài của Chủ tịch Quốc hội, Tọa đàm về hợp tác giáo dục sẽ được tổ chức với sự tham gia của các trường Đại học hàng đầu, các tập đoàn, tổ chức giáo dục của Việt Nam và Anh nhằm thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bày tỏ vui mừng trước chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam là vững chắc, nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa để hai bên mở rộng. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ giúp thúc đẩy sự hợp tác giữa hai Quốc hội… Chuyến thăm này là một dấu hiệu tốt cho thấy hai quốc gia đang mở cửa thương mại trở lại.
TTXVN