HLV Mai Đức Chung: Gần 3 thập niên “đồng cam cộng khổ” với bóng đá nữ Việt Nam

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, lẽ ra như nhiều đồng nghiệp khác huấn luyện viên Mai Đức Chung đã có thể về nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già cùng gia đình, con cháu. Không ít lần ông Chung cũng có ý định  lui về phía sau để trao cơ hội cho người trẻ nhưng do yêu cầu công việc nên vẫn phải gánh vác. 

huan-luyen-vien-mai-duc-chung-va-cac-tuyen-thu-nu-viet-nam-1655953830.jpg
Huấn luyện viên Mai Đức Chung và các tuyển thủ nữ Việt Nam

Gần ba thập niên năm gắn bó với bóng đá nữ, huấn luyện viên Mai Đức Chung đã mang về bộ sưu tập thành tích đồ sộ với 5 chức vô địch SEA Games, vô địch Đông Nam Á và đi vào lịch sử cùng đội tuyển nữ Việt Nam với lần đầu tiên giành quyền tham dự World Cup. Tại Vòng chung kết Asian Cup 2022, nhiều người vẫn nhớ hình ảnh ông Chung đội nắng, ra sát đường biên chỉ đạo suốt cả trận đấu. Ở tuổi 72, ông Chung vẫn không ngần ngại lặn lội đi siêu thị tìm mua hoa quả, thức ăn thêm cho các cầu thủ nữ trong những chuyến thi đấu, tập huấn xa nhà. Cựu tiền vệ tài hoa từng khoác áo đội Đường sắt Việt Nam ngày nào nổi tiếng là người nhân hậu và tình cảm. Từng bươn trải qua nhiều đội bóng khắp trong Nam, ngoài Bắc có khi còn được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) giao dẫn dắt đội tuyển U23 Việt Nam rồi cả đội tuyển quốc gia, nhưng huấn luyện viên Mai Đức Chung vẫn có vẻ “mát tay” và được biết đến nhiều hơn với những thành tích đáng tự hào cùng đội tuyển bóng đá nữ.  

Trong khi bóng đá nam phải đợi đến gần 60 năm mới chạm được tay vào tấm huy chương vàng SEA Games thì ngay tại SEA Games 21 tại Malaysia, đội tuyển nữ Việt Nam đã có vàng sau trận chung kết thắng đậm Thái Lan 4-0. Sau khi huấn luyện viên Steve Darby ra đi, năm 2003 ông Chung lên nhận đội tuyển và ngay lập tức giành được huy chương vàng tại SEA Games 22. Trong số 6 huy chương vàng đội tuyển nữ Việt Nam giành được tại SEA Games, riêng ông Chung đã có tới 4 lần góp công cùng đội tuyển bóng đá nữ với vai trò huấn luyện viên trưởng, 2 lần còn lại làm phó cho huấn luyện viên Giả Quảng Thác và Takeshi. Trong khi nhiều huấn luyện viên đồng trang lứa đã buông tay, gác kiếm an hưởng tuổi già bên gia đình, con cháu thì ông Chung vẫn đau đáu với bóng đá nữ với những nỗi lo và trăn trở. 

Chứng kiến cảnh các cầu thủ nữ Thái Nguyên, Sơn La… bỏ tập để đi làm công nhân tại các khu công nghiệp khi thu nhập từ đội bóng quá thấp, ông Chung đã lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp giúp đỡ, tài trợ để cầu thủ có thêm động lực và yên tâm gắn bó với các câu lạc bộ. Thật khó hình dung, cầu thủ nữ mỗi tháng chỉ được bồi dưỡng tiền công tập luyện vài triệu đồng, Ông Chung ao ước, bóng đá nữ sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự chung tay của các doanh nghiệp lớn và sự ủng hộ của người hâm mộ để không còn vướng bận bởi chuyện “cơm áo áo tiền” và hướng đến những mục tiêu xa hơn. 

Ông Chung tâm sự: "Tôi không có ước mơ gì ngoài việc các cầu thủ nữ có được công ăn việc làm ổn định, được lập gia đình sau khi giải nghệ. Đi theo nghiệp đá bóng các cháu khổ lắm, phải hy sinh đủ thứ nhưng sau khi từ giã sự nghiệp, nhiều cháu không có được cuộc sống hạnh phúc, kinh tế ổn định. Mong các nhà hảo tâm, doanh nghiệp quan tâm hơn đến đời sống để các cầu thủ nữ bớt vất vả hơn". Hãy thử hình dung, trong khi mỗi câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp chơi ở V-League tiêu tốn mỗi mùa bóng trên dưới 100 tỷ đồng, cá biệt cầu thủ nam có thể nhận được vài chục tỷ lót tay sau những hợp đồng chuyển nhượng thì theo tính toán của ông Chung, các đội nữ như Thái Nguyên, Sơn La hay Hà Nam… chỉ cần vài tỷ đồng chi phí mỗi mùa với mức lương ổn định chừng 6-7 triệu đồng/tháng đã có thể giúp cầu thủ yên tâm thi đấu. 

huan-luyen-vien-mai-duc-chung-chuan-bi-hanh-trang-len-tuyen-1655953959.jpg
Huấn luyện viên Mai Đức Chung chuẩn bị hành trang lên tuyển

Nhắc đến huấn luyện viên Mai Đức Chung, nhiều người ví ông sinh ra là để dành cho bóng đá nữ. Nhà chỉ toàn còn trai, ông tự nhận mình chưa thực sự hiểu nhiều về tâm lý của phái đẹp, nhưng với các cầu thủ nữ ông chính là chỗ dựa tin cậy để vượt qua khó khăn, thách thức. Ở đội tuyển nữ, các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam thích gọi "bố Chung", nhưng người trong nghề lại trìu mến gọi ông là Chung “gái”. Nhiều người hâm mộ vẫn còn nhớ, SEA Games 29 bóng đá nam gây thất vọng lớn khi thầy trò Nguyễn Hữu Thắng bị loại từ vòng bảng, chính thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung đã giải tỏa bớt cơn khát từ người hâm mộ khi đoạt huy chương vàng. Đây không phải là lần đầu ông Chung và các tuyển thủ nữ chia lửa với bóng đá nam. 

Nhiều lần được vinh danh huấn luyện viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam, nhưng sau mỗi thành công ông Chung vẫn không quên đề cao vai trò và sức mạnh của tập thể, động viên các cầu thủ nữ nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa. Thâu tóm cả chức vô địch Đông Nam Á, nhiều lần đoạt huy chương vàng SEA Games và lập kỳ tích lần đầu góp mặt tại World Cup 2023, bóng đá nữ Việt Nam đang đứng trên đỉnh vinh quang, nhưng với huấn luyện viên Mai Đức Chung, bước qua tuổi 72 cuộc chơi đã đến lúc phải dừng lại. “Hợp đồng của tôi với Liên đoàn bóng đá Việt Nam còn đến hết năm 2022. Dự định sau SEA Games 31 và AFF Cup 2022, tôi sẽ xin nghỉ. Đã đến lúc mình phải lùi lại phía sau để nhường vị trí cho người trẻ. Tôi tin tưởng, huấn luyện viên mới còn có thể làm tốt hơn tôi. Họ có thể đem đến những thay đổi để giúp đội tuyển nữ của chúng ta đạt được những thành tích cao hơn nữa. Tôi chỉ mong muốn là những người sau kế tục tôi có thể làm cùng nhau và giúp đội tuyển nữ Việt Nam tốt hơn nữa và chắc chắn, tôi vẫn sẽ đồng hành cùng bóng đá nữ trong vai trò mới cho đến khi còn có thể làm được" - huấn luyện viên Mai Đức Chung khẳng định.  

Huấn luyện viên Mai Đức Chung sinh năm 1951 tại làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội, là một trong những cầu thủ tài hoa của bóng đá Việt Nam từng thi đấu cho câu lạc bộ Xe ca Hà Nội, Tổng cục Đường sắt, đội tuyển quốc gia Việt Nam. Vị trí sở trường của ông Chung là tiền đạo, nhưng có thể chơi tốt trong vai trò tiền vệ. Chia tay sự nghiệp cầu thủ, ông Chung chuyển sang làm huấn luyện viên và tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả cả với bóng đá nam và nữ. Ở cấp câu lạc bộ, ông Chung từng giúp Bình Dương lọt vào tới bán kết AFC Cup, trong khi ở đội tuyển, huấn luyện viên Mai Đức Chung cùng U22 Việt Nam giành ngôi vô địch Merdeka Cup 2008 tại Malaysia. 

Điểm đặc biệt ở huấn luyện viên Mai Đức Chung là luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách, không từ nan. Không phải ngẫu nhiên mà trong những thời điểm khó khăn, người đầu tiên VFF có thể nghĩ tới chính là Mai Đức Chung. Dù chỉ đóng vai trò “chữa cháy” hay gắn bó lâu dài, trong mọi hoàn cảnh ông Chung đều làm tốt nhiệm vụ. Năm 1997 huấn luyện viên Mai Đức Chung được giao dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dự SEA Games và giành ngay tấm huy chương đồng. Tiếp đến là các chức vô địch tại SEA Games 2003, 2005, 2017, 2019, 2021.  

Sau gần 3 thập niên “đồng cam cộng khổ” với bóng đá nữ và hoàn thành mục tiêu lớn nhất là đưa đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam góp mặt tại World Cup 2023, huấn luyện viên Mai Đức Chung đã bày tỏ ý định, sẽ lùi lại phía sau để mở ra một giai đoạn phát triển mới cho bóng đá nữ Việt Nam.

Đan Phượng

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/huan-luyen-vien-mai-duc-chung-that-thap-co-lai-hy-a11245.html