Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính phủ đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ nhà văn trẻ

“Chính phủ mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà văn trẻ để Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan cùng bàn bạc, phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà văn Việt Nam, các hội văn học - nghệ thuật khác tiếp tục phát triển hơn nữa nền văn học - nghệ thuật nước nhà”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 khai mạc tại TP. Đà Nẵng ngày 18/6.

Bày tỏ ấn tượng trước các tham luận, phát biểu sâu sắc, tâm huyết của các nhà văn trẻ tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm sự nghiệp văn học - nghệ thuật; đồng thời đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trẻ nói chung và các nhà văn trẻ nói riêng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cá nhân ông mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà văn trẻ để Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan cùng bàn bạc, phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà văn Việt Nam, các hội văn học - nghệ thuật khác tiếp tục phát triển hơn nữa nền văn học - nghệ thuật nước nhà.

"Văn hóa còn thì dân tộc còn"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại: Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc hồi tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, phải quan tâm hơn nữa văn hóa, văn học - nghệ thuật, đặc biệt là quan tâm lớp trẻ, trong đó có lớp trẻ hoạt động ở lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật.

Phó Thủ tướng cũng nhắc lại câu nói "tất cả mọi thứ rồi sẽ qua đi, còn lại cuối cùng là văn hóa" và quan điểm "văn hóa còn thì dân tộc còn". Ông chia sẻ niềm tự hào về một dân tộc Việt Nam không chỉ anh hùng trong chống thiên tai, địch họa, kiên cường trong lao động, mà còn rất văn hoa với những áng văn chương mà bản thân ông đã ấn tượng từ nhỏ như: "Hịch tướng sĩ", "Bình Ngô đại cáo", "Nam quốc sơn hà"; với những câu thơ như "Đàng giang tự cổ huyết do hồng", "Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa"…

"Dân tộc chúng ta anh hùng không kém bất kỳ dân tộc nào, và cũng văn hoa không kém bất kỳ dân tộc nào", Phó Thủ tướng nói.

1659-1655633561.jpeg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm sự nghiệp văn học - nghệ thuật; đồng thời đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trẻ nói chung và các nhà văn trẻ nói riêng.

Theo Phó Thủ tướng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, trong đó có rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

"Chúng ta bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của cha ông bằng mồ hôi, bằng máu của cha ông để lại; đồng thời phải có trách nhiệm làm cho di sản văn hóa đó có thêm phần của thời đại ngày nay để sau này cháu con của chúng ta tự hào về thế hệ cha ông mình. Đó là sự thôi thúc trong những người làm công tác quản lý văn hóa - nghệ thuật, những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, trong đó có các nhà văn trẻ", Phó Thủ tướng nói.

Công việc của các nhà văn thầm lặng

Đồng tình với phát biểu khai mạc của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, về một nền văn học vì cái đẹp, vì lẽ phải, vì con người, vì dân tộc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng, tất cả chúng ta ngồi đây đều mong muốn cái đẹp được tôn vinh, con người sống yêu thương nhau, không còn hận thù, không còn xa cách.

Phó Thủ tướng bày tỏ: "Tất cả mọi người đều muốn hướng đến chân - thiện - mỹ. Suy cho cùng, ai cũng muốn mỗi người đều có tấm lòng. Khi có tấm lòng thì bắt buộc mình phải học hỏi để giúp ích cho bản thân mình và cho mọi người. Trí tuệ lớn nhất của một con người là xác định được mục đích sống của mình: Làm sao cho mình và mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn".

Theo Phó Thủ tướng, các nhà văn luôn đồng hành với đất nước, với dân tộc thông qua các tác phẩm. "Tất cả chúng ta là một phần của đất nước, một phần của dân tộc. Những gì mà xã hội này còn chưa tốt cũng có một phần trách nhiệm của chúng ta bởi chúng ta là những người trong cuộc. Chính phủ mong muốn các nhà văn, những người làm văn hóa - nghệ thuật ủng hộ chủ trương của Chính phủ. Mỗi người hãy nỗ lực hơn một chút. Công việc của các nhà văn thầm lặng và kết quả làm việc của các nhà văn khó được nhìn thấy ngay lập tức như những ngành nghề khác. Có khi phải nhiều năm sau thì những giá trị đó mới được biết đến", Phó Thủ tướng nói.

1660-1655633619.jpeg
Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 diễn ra tại TP. Đà Nẵng.

Nhắc lại kỷ niệm vô cùng xúc động khi chứng kiến lần đầu tiên Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, Phó Thủ tướng mong muốn lĩnh vực văn học cũng vượt ra khỏi phạm vi biên giới trong nước như thế; ngày càng có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam, trong đó có tác phẩm của các nhà văn trẻ, vươn ra thế giới.

Bên cạnh đó, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước với các hội văn học - nghệ thuật và giữa các hội văn học - nghệ thuật với nhau. Chẳng hạn, làm sao để một tiểu thuyết, một bản nhạc, một bài thơ hay được nâng tầm, chắp cánh thêm những giá trị mới khi chuyển thể sang những loại hình nghệ thuật khác.

Trước khi phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh cùng hai tác giả trẻ: tác giả Vũ Đức Nguyên (bút danh Vũ Nguyên) và tác giả trẻ nhất 15 tuổi Trần Phú Minh Anh. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đọc hai câu thơ của Vũ Nguyên và động viên Nguyên vượt qua sự khiếm khuyết của bản thân để tiếp tục theo đuổi con đường văn chương.

Tạo mọi điều kiện cần thiết để các văn nghệ sĩ tự do sáng tác

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện cần thiết để các văn nghệ sĩ tự do sáng tác, sáng tạo. Ở chiều ngược lại, mỗi người phải có ý thức với việc lời nói và tác phẩm của mình phải phục vụ lợi ích chung của đất nước, của dân tộc.

"Nhân dân là chúng ta, mà chúng ta cũng là nhân dân. Trong khuôn khổ lợi ích chung đó, Đảng và Nhà nước luôn cổ vũ tự do sáng tạo, tạo những điều kiện cần thiết", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đ.H

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-chinh-phu-dat-nhieu-ky-vong-vao-doi-ngu-nha-van-tre-a11114.html