Toàn cảnh Hội nghị.
Hội nghị tập huấn là hoạt động quan trọng nhằm triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị triển khai công tác xây dựng pháp luật năm 2022 của Bộ.
Mục đích của Hội nghị nhằm nâng cao trình độ, nghiệp vụ về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến lãnh đạo và chuyên viên theo dõi công tác pháp chế hoặc được giao xây dựng văn bản pháp luật của các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước thuộc Bộ.
Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp xây dựng, góp ý, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược trong 5 năm tới.
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, thời gian qua, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch hiện hành, góp phần thực hiện các mục tiêu chính trị của ngành, tạo sự chuyển đổi trong tư duy và hành động từ làm văn hóa, thể thao và du lịch sang quản lý văn hóa, thể thao và du lịch.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Trong năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền một số dự án Luật như: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); tham gia xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Xây dựng và trình Chính phủ 6 Nghị định, trong đó 4 Nghị định đã được ký ban hành trong năm 2021; ban hành theo thẩm quyền 18 Thông tư. Đây là thành công bước đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nhấn mạnh về một số nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2022, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng: "Để hoàn thành nhiệm vụ thì một trong những yêu cầu hết sức quan trọng đó là nhân tố con người. Đội ngũ công chức trực tiếp tham gia xây dựng văn bản pháp luật phải có trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tiễn; có cách làm bài bản, khoa học, hiệu quả cao".
Thứ trưởng yêu cầu, để đảm bảo cho Hội nghị tập huấn đạt hiệu quả cao nhất, các học viên cần tập trung lắng nghe, lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà giảng viên truyền đạt; tích cực thảo luận đóng góp ý kiến làm sáng tỏ những vấn đề còn băn khoăn, chưa nắm rõ. Trên cơ sở đó vận dụng vào thực tiễn cơ quan, đơn vị mình để tổ chức xây dựng, tham mưu trình Lãnh đạo Bộ những hồ sơ văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng cao, đúng thời gian, tiến độ, góp phần vào hoàn thành tốt kế hoạch công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022.
Theo ông Lê Thanh Liêm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng pháp luật gồm: Công tác xây dựng pháp luật phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Ban Cán sự Đảng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương nhằm phát huy trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao.
Ông Lê Thanh Liêm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)thông tin về nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022 và đề xuất một số nội dung cần tập trung triển khai.
Quá trình xây dựng pháp luật phải có sự chuẩn bị kỹ, từ sớm, từ xa nhằm đánh giá đúng thực chất tác động chính sách của từng văn bản. Những nội dung nào đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm thì ban hành văn bản để điều chỉnh; những nội dung nào chưa rõ, còn có ý kiến khác nhau thì sẽ làm thí điểm để tiếp tục hoàn thiện về cơ sở lý luận và thực tiễn.
Cũng theo ông Lê Thanh Liêm, công tác xây dựng pháp luật cần được tiếp tục tăng cường về nguồn lực, từ việc nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật; huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự điều chỉnh đến việc ưu tiên đầu tư về thời gian, tài chính, cơ sở vật chất. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trực tiếp triển khai và chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ về công tác xây dựng pháp luật.
Tại Hội nghị tập huấn, các học viên đã nghe ông Trần Anh Đức - Phó Vụ trưởng các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) trình bày chuyên đề về "Một số vấn đề về kỹ năng, nghiệp vụ, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật".
Thế Công