Theo kế hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ rà soát, hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình; ngăn chặn các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình phù hợp với đặc điểm gia đình trong bối cảnh xã hội hiện đại.
Đồng thời, xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, tạo điều kiện cho mọi thành viên thụ hưởng, phát triển toàn diện. Nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, thích ứng với thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng, nâng cao khả năng tự ứng phó của gia đình nhằm hạn chế, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội.
Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống văn hoá dân tộc, giá trị gia đình; xây dựng nhân cách đạo đức, lối sống văn minh cho thế hệ trẻ thông qua sự phối hợp giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Triển khai "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại, tổ chức thực hành các hành vi, ứng xử văn hoá trong gia đình; tuyên truyền chuẩn mực, giá trị văn hoá sống xanh, lối sống xanh gắn với giá trị truyền thống trong gia đình.
Phát huy hiệu quả mô hình gia đình "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền" trong các phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở nhằm tăng cường giáo dục nền nếp, lối sống tích cực, văn minh cho các thành viên trong gia đình. Truyền thông nhân rộng mô hình "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng gia đình tiêu biểu, hạnh phúc
Thường xuyên, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương gia đình tiêu biểu, hạnh phúc; phê phán, lên án, đấu tranh với những hành vi lệch chuẩn tạo dư luận tiêu cực, tác động xấu tới cộng đồng để góp phần điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi gia đình. Xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác gia đình và lĩnh vực gia đình.
Rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý nhằm đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác gia đình các cấp bảo đảm tinh gọn, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, có sự gắn kết nội dung gia đình với các lĩnh vực có liên quan; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở.
Xây dựng các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực theo hướng tích hợp đa ngành chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp.
Chinhphu.vn
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/trien-khai-chien-luoc-phat-trien-gia-dinh-viet-nam-den-nam-2030-a1026.html