Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Tọa đàm trực tuyến “Du lịch thích ứng an toàn với COVID-19”

Sáng 15/10, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Tọa đàm theo chủ đề: "Du lịch thích ứng an toàn với COVID-19". Thethaovietnamplus.vn xin trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Tọa đàm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: nhandan.com.vn

Kính thưa đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Kính thưa các đồng chí đại biểu khách quý.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phấn khởi được về dự buổi tọa đàm với chủ đề “Du lịch thích ứng an toàn với COVID-19” do Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức. Chúng tôi ý thức đầy đủ tọa đàm là nơi trình bày quan điểm, lắng nghe tiếng nói của hiệp hội, của nhà quản lý và qua đó chúng ta định hướng chính sách, ban hành các kế hoạch nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Chúng tôi đã giao trách nhiệm cho Tổng cục Du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTTDL phụ trách chủ động phối hợp các cơ quan cùng tham mưu cho lãnh đạo bộ và tổ chức tọa đàm hôm nay đạt yêu cầu đề ra.

Thưa các đồng chí, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tôi có mấy ý kiến sau:

Chúng ta cùng nhau nhìn lại sự tác động của COVID-19 với nền kinh tế nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng. Việc cung cấp cách nhìn tổng quát, chúng tôi muốn tiếp cận theo hướng mà chỉ khi đánh giá đúng thực trạng, chúng ta phân tích tình hình, dự báo đúng sẽ có kế hoạch đúng. 

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc tới nền kinh tế - xã hội không chỉ ở trong nước mà ở toàn cầu. Vì vậy, sự sụt giảm suy giảm kinh tế là điều không thể tránh khỏi ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia có bề dày về sự phát triển, có nguồn lực lớn. Đến thời điểm này chúng ta có tín hiệu vui khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát và đẩy lùi. 

Từ năm 2020 và 9/2021 du lịch bị tổn thất nặng nề. Có người nói rằng du lịch đã "chạm đáy", có người nói rằng du lịch đã bắt đầu về lại con số 0, có người nói du lịch thật ảm đạm và khó để phục hồi. Ở góc độ tiếp cận nào đó cũng phù hợp với tình hình nhưng sâu xa hơn, chúng ta phải đi tìm căn nguyên, xem xét cả yếu tố chủ quan, khách quan và bình tĩnh nhìn nhận thế nào.

Có thể nói, dựa trên cơ sở khảo sát, các con số qua điều nghiên để thấy du lịch của chúng ta đã khó khăn lại càng khó khăn. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm 80% mà trước đó nhờ lượng khách quốc tế này đưa vị thế du lịch Việt Nam lên tốp đầu của châu Á. Năm 2021, chúng ta giảm đến 90% khách du lịch quốc tế (10% là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao).

Về khách nội địa, năm 2020 có 85 triệu lượt khách nhưng sang năm 2021 chúng ta hầu như đóng băng. Quý 1, chúng ta có được một số lượng khách nhất định nhưng không bảo đảm thường xuyên.

Chúng ta phải tính toán đến một loại hình trong vấn đề  du lịch là cơ sở lưu trú. Thường cơ sở lưu trú quyết định đóng góp cho toàn ngành, theo thống kê đóng góp 46-50% cho hoạt động du lịch thì 90% các cơ sở lưu trú đều phải đóng cửa và không hoạt động, công suất hoạt động phòng khách sạn không có, chỉ sử dụng 10% là tối thiểu.

Việc làm trong ngành bị đứt gãy do không có khách nên buộc phải cắt giảm lao động, buộc phải giãn cách dẫn tới người lao động không có việc làm. Các doanh nghiệp phải rút giấy phép, xin ngừng hoạt động liên tục tăng. Hiện chỉ còn lại một phần rất ít doanh nghiệp còn trụ vững, giữ thương hiệu để chờ thời điểm phục hồi.

Các số liệu giúp chúng tôi có nhận định như vậy và nhận định này phù hợp nhận định chung quốc tế. Họ nhận định, do tác động dịch bệnh COVID-19, du lịch rất khó để phục hồi. Phải đưa ra cảnh báo để có nhận thức đúng, nếu không chúng ta sẽ mơ về ngày như ngày xưa thì rất khó, chúng ta phải thích ứng với điều kiện mới. Chúng ta nên nghiên cứu dự báo để xác định hướng đi không toàn màu hồng, cũng không toàn màu xám xịt.

Thứ hai, từ nhìn nhận như vậy, cách tiếp cận tích cực nhìn lại để cùng tiến và vượt khó cần làm gì thời gian tới. Bộ VHTTDL đang được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong đó, nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch - dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp cận theo hướng phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, phù hợp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch.

Ở nhóm nhiệm vụ này, thời gian qua, Bộ VHTTHDL đã đề xuất và Chính phủ, Quốc hội chấp thuận: giảm tiền điện trong cơ sở lưu trú được áp dụng thời gian khá dài; Hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, trợ cấp khó khăn cho họ khi phải chịu tác động du lịch được ban hành và thụ hưởng; Đề xuất giảm tiền ký quỹ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành sửa đổi theo Nghị định 168 giảm 80% nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nguồn lực của đất nước đang khó khăn. Nhìn ra tình hình chung thế giới, nhóm chính sách về tài khóa và tín dụng là ưu tiên hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ phục hồi. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì vậy, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, ngành ngân hàng đề xuất các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ. Theo đó Bộ VHTTDL cũng đồng kiến nghị xem xét để có gói tín dụng dành cho doanh nghiệp nói chung trong đó có doanh nghiệp du lịch. Tôi tin rằng, khi Chính phủ ban hành chính sách đó, thì các doanh nghiệp du lịch sẽ liệu cơm gắp mắm, vay thế nào, vay bao nhiêu để có thể phục hồi cần có chính sách và cách để quyết định của từng doanh nghiệp.

Ngoài ra, phải tập trung giải quyết vấn đề khó mà doanh nghiệp đang gặp phải là chính sách hỗ trợ để không bị đứt gãy nguồn lao động. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động du lịch có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề. Lực lượng lao động này đã bắt đầu bỏ nghề và chuyển sang lao động khác. Khi thị trưởng mở cửa lại, ngành du lịch hoạt động, tất nhiên có bộ phận trở lại, nhưng có bộ phận khác người ta chuyển hướng làm việc khác. Sự thiếu hụt này sẽ được bù đắp như thế nào. Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm lại để không bị đứt gãy lao động trong doanh nghiệp du lịch.

Nhóm giải pháp chính sách để phục hồi kinh tế nói chung trong đó có du lịch, ở góc độ Bộ VHTTDL đang tiếp cận theo 2 hướng nêu trên.

Chiều qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao nhiệm vụ cho Bộ phải khẩn trương ban hành hướng dẫn về vấn đề du lịch thích ứng an toàn để có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc, không chỉ đơn lẻ ở từng tỉnh, được phép mở cửa thế nào, điều kiện an toàn ra sao, phương tiện giao thông phải được nhất quán. Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút trình theo tinh thần Nghị quyết 128.

Ở góc độ quản lý nhà nước, phải tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai đưa thông điệp mạnh mẽ, nhất quán với doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra giám sát hướng dẫn tổ chức với tinh thần tạo điều kiện tối đa nhất để doanh nghiệp được trở lại hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào kinh tế xã hội của từng địa phương góp phần cùng quốc gia mang lại giá trị kinh tế trong bối cảnh chúng ta đang khó khăn.

Trong lĩnh vực chỉ đạo quản lý, là phải tập trung nghiên cứu lựa chọn một số công việc có tính chất trọng tâm và nhất là định hướng để chuyển đổi. Đại dịch COVID-19 không chỉ tác động kinh tế mà còn tác động tâm lý, tình cảm, sở thích nguyện vọng.

Qua khảo sát sơ bộ, tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi. Nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông tour lớn thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình. Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần 1 tỉnh phải có 1 sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn sản phẩm du lịch. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch: nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam.

Như vậy, chúng tôi muốn cung cấp 2 thông tin tại Tọa đàm: Một là, nhìn lại đánh giá thực trạng du lịch thời gian qua và một số nhóm giải pháp lớn của Bộ VHTTDL với tư cách cơ quản quản lý nhà nước, còn sự sáng tạo phụ thuộc vào các tập đoàn, doanh nghiệp. Không ai làm thay cho cộng đồng doanh nhân vì họ có chiều sâu trong thiết kế và khai thác thế mạnh của khách hàng. Cơ quan quản lý chỉ hướng dẫn định hướng. Chúng ta cùng đi và cùng đến đích phục hồi kinh tế du lịch.

Chúng tôi trân trọng những ý tưởng sáng tạo của Báo Nhân Dân về vấn đề tổ chức Tọa đàm để chúng tôi lắng nghe thêm nhiều ý kiến trong vấn đề hoạch định chính sách và tham mưu hoạch chính sách trong công tác chỉ đạo. Một lần nữa, chúng tôi bày tỏ sự cảm ơn sự phối hợp trách nhiệm này và chúc các đồng chí đại biểu, khách mời và bạn đọc sức khỏe, hạnh phúc!